Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti - còn gọi là muỗi vằn - là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Theo tin tức 70% bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu không theo dõi sát sao bệnh có thể gây tử vong do sốc.
1. Diễn biến của sốt xuất huyết
Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 - 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.
Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu,...
Giai đoạn hồi phục thường xảy ra từ 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng tái hấp thu dần từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Giai đoạn hồi phục kéo dài khoảng từ 48-72 giờ sau đó. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều.
Với diễn biến lâm sàng qua 3 giai đoạn đã nêu trên, việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ rất cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp theo từng giai đoạn và tiên lượng trước khả năng có thể ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là những biến chứng trầm trọng xảy ra.
2. Điều trị sốt xuất huyết
Chỉ những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ mới có thể được điều trị tại nhà. Dựa vào triệu chứng lâm sàng người ta phân độ bệnh sốt xuất huyết làm 4 độ:
Độ 1: sốt cao đột ngột liên tục từ 2-7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính.
Độ 2: triệu chứng như độ 1, kèm theo xuất huyết dưới da hay niêm mạc, hay gặp xuất huyết ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, bụng đùi, mạng sườn hay những mảng bầm tím, chảy máu mũi, lợi, kết mạc, đi tiểu ra máu, có khi xuất huyết nội tạng; gan to.
Độ 3: có thêm dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp, huyết áp kẹt, da lạnh ẩm, bứt rứt hay vật vã li bì.
Độ 4: sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Trong diễn biến của bệnh, bệnh nhân có thể chuyển từ độ nhẹ sang độ nặng.
Những bệnh nhân sốt xuất huyết độ 1, 2 phần lớn được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm các triệu chứng tiền sốc để xử trí kịp thời. Thuốc có thể dùng là paracetamol hạ sốt, tuyệt đối không dùng các thuốc hạ sốt: aspirin, analgin, ibuprofen; bên cạnh đó, có thể bù dịch bằng uống dung dịch oresol, nước trái cây, nước cháo, truyền dịch. Không được tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì chúng không có tác dụng gì với bệnh sốt xuất huyết mà chỉ làm bệnh nhân mệt thêm. Trường hợp sốt cao, có thể áp dụng thêm phương pháp vật lý như lau mát.
Độ 3, 4 phải điều trị tại bệnh viện để theo dõi, xử trí sốc, hạn chế tử vong.
Chị em cảnh giác cách chữa bệnh lạc nội mạc tử cung
3. Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà
Nếu trẻ bị sốt xuất huyết mức độ nhẹ (1,2) thì có thể được chỉ định chăm sóc và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, cha mẹ cần theo dõi bệnh của trẻ thật sát sao để phát hiện các triệu chứng tiền sốc, bao gồm: trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã; trẻ có những cơn đau bụng dữ dội mà trước đây không có hoặc rất ít; tay, chân lạnh; da trẻ đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại. Trẻ tiểu ít hẳn hoặc không tiểu chút nào, nhưng rất khát. Nhất là từ ngày thứ 3 của bệnh (tính từ ngày bắt đầu sốt), nếu nhận thấy một hoặc vài triệu chứng kể trên thì phải cấp tốc đưa trẻ đến bệnh viện.
Ngoài thuốc như hướng dẫn của bác sĩ, mẹ cần chú ý những điểm sau trong chăm sóc bé.
Cho trẻ nằm nghỉ trong một phòng thoáng mát. Tuyệt đối không ra mưa, ra nắng, không đi đâu vì nhiều trẻ tuy sốt nhưng vẫn có vẻ khỏe mạnh.
Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho trẻ uống oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.
Cần chọn các món ăn dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét