Get me outta here!

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Duyên muộn là duyên lành


Về đến đầu làng, nghe tin lão Tân xóm Trung Làng lấy vợ, tôi nửa tin nửa ngờ. Từ chợ về, tay thúng tay bị mẹ tất tả ra sau nhà. Tôi đi theo, gặng hỏi chuyện. Mẹ cất quang gánh, quay lại nói: “Vợ lão Tân đấy. Lão vừa “sính” về độ tháng nay”. Trông sang nhà lão, không thấy người phụ nữ ấy đâu, chỉ thấy khói hoen nhèm mái tranh nhà lão.



Xế trưa, bố đỗ nhanh xe trước cổng, cất tiếng gọi: “Cô Mây ra Hồ Chánh Hói mà xem. Ông Tân cất nhiều cá lắm!”. “Dạ, chốc cháu ra”, người phụ nữ từ tốn đáp lại. Bố vào nhà nháy tôi: “Con phải tìm được vợ như thế”. Mẹ liếc xéo bố: “Nhà này không học cái kiểu già mà ham”. Bố nhíu mày: “Bà nói gì thế? Chuyện nhà người ta”. Nhận đũa từ tôi, bố phân bua: “Ừ thì, lão ấy có tuổi thật! Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Mẹ tiếp lời: “Cái Mây, bằng tuổi con gái út ông ấy đấy”. Bố khoát nhẹ làn khói bốc lên: “Vợ chồng phải duyên thì thắm, cứ gì...”. Để dừng câu chuyện về đời tư người khác, bố nhắc tôi: “Lão có chuyện vui, anh cũng nên sang hỏi thăm”. Mẹ không nói gì, im lặng có nghĩa đồng ý.

Tầm giữa chiều, lão Tân về đến cổng. Tôi chào, tiến lại gần lão. Tay gỡ chiếc oi bên hông xuống, thấy tôi lão săn đón: “Thái về khi nào cháu?”. Lão nheo mắt nhìn tôi. Những nếp nhăn đen sạm, mồ hôi nhễ nhại, bóng loáng cả ánh nhìn lão dành cho tôi. Cảm tưởng có thể soi gương được trên cơ thể gân guốc, cường tráng ấy. Chợt nghĩ: “Chà! Còn cơ bắp chán”. Như đọc được tôi nghĩ gì, lão đánh tiếng: “Ông già rồi”. Tôi bối rối. Lão cười lớn tiếng, cởi mở hơn: “Ông cất được mớ tép, tươi lắm! Lát mình làm chầu rượu”.

Lão kéo tôi vào nhà, pha nước từ cái ấm tích trắng tinh. Chén nước chè xanh chát dịu, nhìn đã thấy xon xót, ngòn ngọt ruột gan.

Trên bàn thờ, nén hương đang cháy dở, khói phảng phất trước bức hình người vợ đầu của lão. Đúng với cái tên “Huệ”. Vợ lão khổ sở, đoản mệnh với bệnh lao quái ác. Các con lão đã lập gia đình, định cư ở xa. Nghe đâu, tình cảm cha con không thuận cho lắm. Ngày lão đón cô Mây về, chúng kéo nhau về gây hấn, rồi lại kéo đi.

Nhà lão bây giờ được phên thưng cẩn thận. Trong nhà, bày biện đủ vật dụng, mọi thứ cứ như vừa thay mới. Nụ cười của lão ngày xưa xám xịt màu khói thuốc, giờ như được gột rửa, nồng ấm, tươi sáng lắm. Ngoài sân, thửa rau vừa bén, xanh mơn mởn, vây lưới cẩn thận. Men ra cổng, hàng chè tàu cắt tỉa cẩn thận. Khóm hoa báo bão, hoa huệ thẳng tắp, rất lề lối.

Tôi miết cái nhìn lên từng vuông gạch, lòng không khỏi xao động. Bất chợt, người phụ nữ từ dưới bếp bước lên. Tay bê mâm cơm, chai rượu, đủ thức nhắm. Tôi đón lấy, xuýt xoa: “Cô khéo tay quá!”. Chỉ kịp thấy bàn tay thon trắng, nuột nà đang run rẩy thôi mà tôi bối rối quá chừng. Người phụ nữ đỏ lựng khuôn mặt vì củi lửa, mở lời: “Cậu và nhà tôi cứ dùng bữa. Tôi ra ngoài có chút chuyện”. Chưa kịp để tôi đáp lời, người phụ nữ đã lui ra.

Lão Tân dưới bếp lên, hồ hởi: “Đủ hết rồi chứ? Rau thơm có chưa?”. Tôi không nghĩ đây là lão Tân mình từng biết. “Vợ ông chu đáo quá”. Lão cười tít mắt: “Người ta mai mối cho đấy. Cũng may, nhà ấy đồng ý về với mình”. Tôi cạn chén. Chúc cho sự mãn nguyện, rạng ngời trên khóe mắt lão. Những vết chân chim tẩu tán đâu hết. Thật kỳ diệu!

Cụng mấy chén, lão dốc bầu tâm sự. Lão nói về người phụ nữ ấy, với chất giọng trầm ấm, trân trọng. Cô ấy ở làng bên, mẹ mất sớm, nhà độc mỗi mụn con gái. Người bố đi bước nữa rồi về ở với Dì trẻ măng, cách đó mấy làng. Cô lủi thủi một mình, thành “bà cô” vẫn chưa thiết tha gì chuyện chồng con.

Lão gặp cô vào một chiều đông, mưa phùn gió bấc. Bữa đó, lão khoác áo mưa, sang tận làng bên cất vó. Chả là, bên đó có con mương nối liền dòng kênh, chằng chịt những nhánh. Cứ mùa này, cá mái lại nhốn nháo, đùn đẩy nhau về. Chúng ngấp nghé, tung tóe cả khúc mương. Nghe phong thanh, làng bên có cô Mây, đã quá thì vẫn chưa chung đụng gì. Lão đánh liều dò la tin tức, mượn cái nghề của mình để xâm nhập.

Chị em cảnh giác trước u nang lạc nội mạc tử cung
Mới đầu lão cũng sợ, nghe đâu trai làng bên ẩu chiến giữ gái làng ghê lắm. Không khéo lại mớm họa vào thân. Thế nhưng, trong suy nghĩ của lão, lão muốn một lần được nói chuyện với người con gái ấy. Tuổi tác hai người chênh nhau khá lớn nhưng xét cho cùng sự cân bằng, hài hòa trong cuộc sống vẫn đáng để bàn hơn. Lão thèm chén cơm nóng, con cá khô mỗi khi dầm nước ở ngoài về. Từ ngày vợ lão mất, củi lửa lạnh ngắt, bữa cơm rau dưa có vợ ngồi đầu nồi xới cơm với lão như bữa tiệc xa xỉ.

Mùa đông, màn trời chùng xuống, xám ngoét. Từ đằng xa, thấp thoáng bóng người lom khom dưới ruộng. Cô gái đang cấy nốt gánh mạ trong cái rổ lớn. Không nói gì, lão đặt vó nhảy xuống phụ một tay. Không ai nói với ai câu gì cho đến khi gánh mạ thẳng tắp trên thửa ruộng. Cái lạnh của mưa gió, khiến hai con người lấm lem bùn đất ấm nóng từ hơi thở đến ánh nhìn.

Cô gái ngước nhìn lão, đôi môi tím ngắt, da mặt tai tái. Lão nở nụ cười châm chọc: “Nhờ có cô, tôi cấy xong đám mạ. Cảm ơn cô nhé!”. Cô gái bẽn lẽn, nhoẻn miệng cười: “Chú trêu cháu! Cháu phải cảm ơn chú mới phải”. Lão nhíu mày nhìn cô: “Cô gọi thế, làm sao tôi...?”. Cô gái càng bối rối: “Xin lỗi chú! Vậy cháu phải gọi là...?”. “Phải gọi là anh! Anh Tân”. Nói xong, lão phóc lên bờ, vơ vội đống mắt lưới đi thẳng vào làng, không quên ngoái lại nhìn, đầy ẩn ý.

Lân la thế nào, lão hỏi ra nhà cô Mây. Mon men lại gần, lão tần ngần trước ngõ. Lão nấn ná mãi, không biết nên vào hay đi? Vào với lý do gì? Về thì không yên cái bụng. Lão đứng nép bên dãy căng thẳng tắp, gai xỉa ra tua tủa. Bên trong, bếp lửa bập bùng cháy. Khói xông lên mái tranh, gặp luồng gió heo, uốn lượn tứ phía. Chúng quấn cả vào tấm thân, tâm trí lão. Mùi nhút mít xào tóp mỡ, chua thanh, ngầy ngậy khiến lão nuốt nước bọt ừng ực. Lão thấy chạnh lòng, đôi chân trần run rẩy, tê buốt. Có bóng người ra đầu giếng. Ai như...? Lão không tin vào mắt mình. Lão đứng chôn chân một chỗ, đổ dồn cái nhìn trân trân, ngây dại.

Nước giếng bốc lên làn khói mỏng, cô gái ngâm tay trong chiếc gàu hồi lâu. Lão đánh bạo tiến lại gần, hắng giọng hỏi: “Cho tôi xin gàu nước rửa chân”. Cô gái ngước nhìn, vẻ bàng hoàng hiện rõ, lắp bắp: “Ớ ớ... Chú... ú ... An... h?”. Lão cười thân thiện: “Tôi đây, cô nhanh quên thế?”. Định thần lại, cô luống cuống thả gàu, kéo nhanh sợi dây thừng. Chiếc gàu cuống quàng va vào thành giếng, chan chát. Không để lão đón lấy, cô cúi người từ từ tiếp nước cho lão. Nước giếng ấm như miên man, mơn trớn bàn chân lão, lòng lão chộn rộn đến khó tả.

Lão xuất hiện trở lại trong bộ dạng ướt át, áo bám đầy những rong. Cô nhìn lão vẻ ái ngại, vội mở lời: “Anh vào bếp hong quần áo cho đỡ lạnh”. Được lời như cởi cả tấm lòng, lão cúi người, bước qua cửa bếp nhỏ. Một không gian ấm áp, ấp iu, nồng đượm. Lão cởi chiếc áo ngoài, dấm dứ hơ lên đống than đã cời sẵn. Thấy lão lóng ngóng, cô tủm tỉm cười. Cô hong giúp lão. Bàn tay cô lật từng nếp áo, mân mê cả vết quăn của tà, thoăn thoắt đảo tay, chẳng mấy chốc cái áo nóng hổi, tạm khô. Khói thấm vào từng ô vải, lão muốn hít hà, đắm chìm trong đó nhưng ngại cái nhìn của cô.
Cô mời lão ăn cơm tối. Bữa cơm vội có đĩa nhút xào, bát canh mì tôm nấu rau khoai và món cá mái kho tiêu lão góp vào. Đon đả gắp thức ăn cho lão, cô nở nụ cười như ánh lửa, tỏa ánh hồng lên khuôn mặt lão. 

Tiễn lão ra tận cổng, cái nhìn man mác của cô khiến lòng lão se sắt, đôi chân phải đi chẳng muốn rời. Bất chợt, lão cầm lấy tay cô, giúi cho cô cái oi, nói nhanh: “Cho tôi gửi, ngày kia tôi tới lấy”. Nói rồi lão ba chân bốn cẳng chạy nhanh ra khỏi làng. Cô ấm ớ nhìn theo, cái oi lúc nhúc cá, tôm tép búng loạn xạ. Một cảm giác lạ, choán ngợp tâm trí cô. Cô thấy lưu luyến người đàn ông đó. Trở lại, cô hong tay mình lên bếp lửa, lồng hai bàn tay vào nhau, chống lên cằm, cô thất thần. Lần đầu tiên trong đời, cô hong áo cho đàn ông chủ động, tự nhiên đến thế. Cô không hiểu nổi mình lúc này.
Cứ thế, lão tới thăm cô tuần dăm ba bận. Qua mùa giá rét, lão ngỏ lời muốn đưa cô về bên ấy. Cô hỏi ý kiến bố, ông đắn đo hồi lâu rồi gật đầu: “...Duyên đến muộn là duyên lành”.


Nguồn: Trang Thái Hà

0 nhận xét:

Đăng nhận xét