Sau khi vợ sinh con, hai vợ chồng không còn là “vợ chồng son” quấn quít với nhau như trước, mà có khi cả một ngày chỉ có một ít thời gian ngồi nói chuyện với nhau thôi. Vậy mà không dễ chút nào.
1. Cách phụ nữ và đàn ông nói chuyện khác nhau
Đàn ông thường nói ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung câu chuyện, còn phụ nữ thì ngược lại, hay nói dài dòng, không đi thẳng vào nội dung câu chuyện mà thích kể về tâm tư, suy nghĩ của mình, thích nhận xét. Vì vậy, các ông bố khi nói chuyện với vợ mình, đừng có hỏi ngay “nội dung chính là gì” hoặc “có chuyện eva gì thì nói luôn đi” mà hãy kiên nhẫn lắng nghe hết những điều “râu ria” mà mẹ kể.
Những bà mẹ bỉm sữa chỉ ở nhà với con thì lại càng thích được nói ra tâm sự của mình, nhiều khi câu chuyện chẳng có gì mà vẫn thích người khác lắng nghe. Nếu các ông bố không nhận ra điều này mà tỏ ra mất kiên nhẫn khi mẹ kể lể dài dòng, thì mẹ sẽ cảm thấy bố không hiểu cho mẹ, không “tâm lý”, mẹ sẽ ấm ức trong lòng. Những ấm ức nho nhỏ cũng có thể tích tụ và gây ra những trận cãi vã lớn sau này.
Nhưng ngược lại, mẹ cũng cần hiểu cho bố rằng bố đi làm vất vả, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chỉ có thể dành một ít thời gian nói chuyện tâm tình với mẹ. Do vậy, mẹ đừng nên “để phí” những khoảng thời gian quý giá ấy, hãy tâm sự vừa phải, nói chuyện ngắn gọn, còn lại, hãy dành để trao đổi và nói chuyện từ hai phía để bố và mẹ hiểu nhau hơn, chia sẻ được nhiều hơn.
Cảnh giác trước các biểu hiện của bệnh lạc nội mạc tử cung
2. Đừng im lặng khi đang nói chuyện với phụ nữ
Có những lúc hai vợ chồng nói chuyện, đến khi có một vấn đề nào đó vợ không vừa lòng nên “cằn nhằn” người chồng. Nhiều người chồng đã im lặng không nói gì cả. Có thể là do việc người vợ “cằn nhằn” là đúng rồi, không thể chối cãi, nhưng người chồng cũng không muốn tán thành nên chọn cách im lặng. Nhưng người vợ lại cho rằng người chồng “đang xem thường” mình, không thèm nghe những gì mình nói, nên lại càng bực mình và càng muốn “nói cho bõ tức”. Vậy là chuyện bé rất có thể sẽ bị “xé ra to”.
Rõ ràng trong những trường hợp này, người chồng đừng nên im lặng, hãy có lời nói nào đó phản hồi cho hợp lý, ví dụ như công nhận rằng mình đã sai sót, sẽ cố gắng sửa lại cho đúng.
Ngược lại, người vợ cũng cần có chừng mực, nếu người chồng đã thừa nhận sai sót mà vợ vẫn chì chiết, nói đi nói lại thì chồng sẽ bực bội và không còn muốn nói chuyện với vợ.
3. Hãy nói những lời đồng cảm với vợ
Đôi khi người vợ kể những chuyện mình gặp phải cho chồng nghe không phải để chồng tìm cách giúp đỡ hay tư vấn cho mình, mà chỉ để được chồng thấu hiểu và cảm thông. Chẳng hạn, khi vợ kể rằng “con hay quấy mẹ lắm” thì không phải người vợ cần chồng tìm cách nào để con bớt quấy, mà chỉ là chờ đợi những lời nói đồng cảm của người chồng, chẳng hạn “em vất vả quá” hay là “vậy hả em, thương em quá”.
Người chồng tuyệt đối đừng đưa ra những nhận xét “lạnh lùng” như là “trẻ con đứa nào chẳng quấy, biết làm sao được” hoặc là phủ nhận một cách phũ phàng: “đâu mà, con mình còn ngoan hơn con nhà hàng xóm nhiều” hoặc “con bé nhà bên cạnh cũng hay khóc mà mẹ nó có kêu ca gì đâu”. Những lời nói lạnh lùng phủ nhận hết những nỗ lực của mẹ sẽ khiến mẹ rất ấm ức và đau lòng. Những mẹ bỉm sữa chăm con không phải để được chồng khen ngợi, nhưng rất cần được chồng đồng cảm.
Ngược lại, người vợ cũng đừng nên nói chuyện quá ẩn ý, nếu muốn được chồng hiểu mình thì mình phải diễn đạt bản thân mình một cách rõ ràng. Đừng kể chuyện kiểu lưng chừng, ẩn ý để chồng phải phán đoán, sẽ gây mệt mỏi cho cả hai, và cũng là một cách lãng phí thời gian.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét