Sau khi sinh, nhất là sinh thường, các mẹ thấy rất mệt mỏi, bải hoải, đau nhức toàn thân. Điều này là bình thường bởi vượt cạn là một sự kiện đòi hỏi nhiều sức lực, mẹ phải rất gắng sức, và còn bị mất khá nhiều máu. Vì vậy, mẹ thấy đuối sức sau khi sinh là hoàn toàn bình thường, từ từ sẽ hồi phục lại. Một số biểu hiện trong cơ thể sau sinh mà các mẹ thường quan tâm là:
1. Đau bụng hậu sản
Các mẹ thường thấy đau quặn ở bụng dưới, đau từng cơn, khi đau thấy nổi một cục cứng ở bụng dưới, nhất là khi cho bé bú, đó là do dạ con đang co thắt để trở lại kích thước ban đầu. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cơ thể mẹ đang từ từ trở lại bình thường. Mẹ nên tích cực cho con bú, không nên dặm thêm sữa ngoài. Cho con bú giúp cơ thể mẹ điều chỉnh và hồi phục tốt nhất.
Các cơn đau bị nhiều ở 3 ngày đầu sau sinh, sau đó giảm dần và hết đau sau khoảng 7 ngày sau khi sinh. Trường hợp dạ con co bóp mạnh quá, gây đau nhiều, mẹ có thể xin bác sĩ cho uống thuốc giảm đau, không nên tự ý uống vì có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ.
2. Vấn đề về đường tiết niệu
Mẹ sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường trong những ngày đầu, vì cơ thể phải thải đi lượng nước dư đã bị tích lại trong thời gian mang thai. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các mẹ sau khi sinh đổ mồ hôi rất nhiều.
Trong thời kỳ sau khi sinh, một số bà mẹ không đi tiểu được, do trong lúc sinh đầu thai nhi và thai nhi đã đè ép lên bàng quang rất nhiều, làm bàng quang bị tê liệt tạm thời. Ngoài ra, những mẹ bị rách tầng sinh môn thì còn có tâm lý sợ đau, không dám đi tiểu, không dám "rặn tiểu" nên càng không đi tiểu được. Trong trường hợp này mẹ hãy cố gắng đi tiểu càng sớm càng tốt, ngay sau khi sinh, cần chú ý uống nhiều nước vì như vậy bàng quang mới có nước tiểu để làm việc. Mẹ cũng nên giữ tâm lý không sợ hãi chuyện đi tiểu, nước tiểu sẽ không làm viêm nhiễm vết khâu tầng sinh môn đâu.
Sau khi sinh, mẹ hãy đứng dậy vận động đi lại, tập cho bàng quang hoạt động. Nếu tập rồi mà đi tiểu vẫn khó, hãy bảo với bác sĩ cho bạn thêm thuốc.
3. Sản dịch
Sản dịch ở mỗi người biểu hiện khác nhau, có người ra nhiều, người ra ít, người ra dài ngày, người chỉ vài ngày là hết, tùy theo cơ địa khác nhau.
Tuy nhiên, có một đặc điểm của quá trình sản dịch, đó là lúc đầu máu ra nhiều, đỏ tươi, sau đó sậm dân, ít dân rồi thành màu hồng nhạt rồi lầy nhầy như máu cá rồi hết hẳn. Sản dịch có thể kéo dài tới 45 ngày, tùy người. Nhưng nếu sản dịch có mùi hôi là điều bất thường, cần đi khám.
Nếu mẹ cho con bú hoàn toàn, sản dịch thường sạch nhanh hơn rất nhiều vì khi cho con bú dạ con co thắt rất nhiều, siết chặt lại các mạch máu bị tổn thương và như vậy sẽ cầm máu tốt hơn.
Trong thời kỳ thải sản dịch, mẹ phải mang băng vệ sinh sạch để thấm máu, không nên dùng vải hoặc giấy dơ, rất dễ gây nhiễm trùng hậu sản. Tuyệt đối chỉ dùng băng vệ sinh ở bên ngoài chứ không nhét bông gòn vào âm đạo (tampon), vì như vậy sản dịch không thoát ra được, ứ lại sẽ là nguồn gây nhiễm trùng rất nguy hiểm.
4. Táo bón
Một vài ngày đầu sau sinh mẹ sẽ không đi đại tiện được, đó là do:
Trước khi sinh mẹ đã được thụt tháo.
Trong khi sinh em bé chui ra đến đâu, đẩy hết phân trong ruột ra đến đó.
Sau khi sinh mẹ thường chỉ nằm một chỗ ít vận động, nhu động giảm nên khó đi cầu.
Sau khi sinh do ăn uống kiêng khem không đúng cách, không chịu ăn rau củ, trái cây nên cơ thể mẹ thiếu chất xơ.
Do cảm giác đau ở vết khâu tầng sinh môn làm mẹ sợ, gây ức chế mất cảm giác đi đại tiện…
Để khắc phục tình trạng này, mẹ hãy đứng dậy vận động đi lại càng sớm càng tốt để khởi động cho các cơ quan làm việc trở lại tốt.
Hãy uống nhiều nước và ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ như trái cây, rau củ. Khi thấy mắc đi đại tiện thì hãy đi ngay tuy nhiên đừng rặn quá mạnh. Nếu thấy bị táo bón quá, mẹ có thể cần phải có thuốc, bơm hậu môn để đi cầu cho dễ hơn.
5. Vết khâu tầng sinh môn
Sau khi sinh, lúc đã tan hết thuốc tê thì vết khâu thường rất đau nhưng sẽ giảm dân và hết đau sau một tuần, tuy nhiên phải 2 tuần sau thì mẹ mới có thể ngồi được như hình thường, thậm chí có mẹ đau gần một tháng. Để giảm bớt sự đau đớn ở vết khâu tầng sinh môn, mẹ nên:
Thực hành những bài tập luyện sàn khung xương chậu càng sớm càng tốt sau khi sinh cho mau lành vết thương.
Giữ vệ sinh vết khâu cho sạch, sau khi đi cầu, đi tiểu, nên rửa sạch và lau khô. Có thể ngồi ngâm trong nước ấm, sau đó lau khô và dùng máy sấy tóc hơ ấm cho vết khâu hoặc dùng bóng đèn tròn để hơ.
Khi ngồi nhiều bị đau, nên nằm xuống để tránh lực ép lên vết may.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét