Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình cho biết ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đã không thu quỹ 6 năm nay.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm của lớp 3/2, Trường Tiểu học Hòa Bình, TP.HCM, anh Võ Quốc Bình - một phụ huynh của lớp đã không đồng ý với Thư ngỏ của ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp về việc mỗi phụ huynh đóng 400.000 để lót sàn gỗ cho lớp.
Vị phụ huynh này cũng vừa có đơn Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh (mà anh gọi là Hội Phụ huynh).
Lý do anh Bình đưa ra là tổ chức này thực chất không hoạt động đúng tôn chỉ, mà chỉ lập ra để vận động phụ thu và quyên góp của các phụ huynh khác những khoản tiền không được phép vận động.
Chiều 21/9, trao đổi với VietNamNet, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM) cho biết: Từ lâu, trường đã yêu cầu phụ huynh muốn thay đổi kết cấu trong lớp phải tham khảo ý kiến của Ban Giám hiệu, nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 đã sai khi lấy ý kiến rộng rãi của phụ huynh trước khi tham khảo ý kiến nhà trường.
Lẽ ra, việc lấy ý kiến và cách tổ chức nên theo tinh thần "ai có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu", hoặc nếu tất cả phụ huynh trong lớp đều đồng ý thì mới chia đều số đóng góp. Thế nhưng, ban đại diện cha mẹ học sinh lại chia trung bình cho mỗi phụ huynh 400.000 đồng.
Theo ông Huệ, việc lót sàn gỗ là mong muốn của phụ huynh cho con em được hưởng thụ điều kiện tốt. Đó là điều bình thường.
Nếu phụ huynh muốn là quyền của phụ huynh, còn nhà trường không chủ trương thu hay yêu cầu đóng góp bất cứ điều gì.
"Từ khi tôi về trường công tác năm 2011 tới nay, trường không thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Còn ở các lớp, theo uy định của Điều lệ Hội cha mẹ học sinh thì có quyền vận động để tổ chức các hoạt động cho học sinh, nhu cầu học tập cho con em ở lớp” – ông Huệ nói.
Ông Huệ cũng cho biết thêm, trong 38 phiếu phát ra cho phụ huynh của lớp 3/2 về lót sàn gỗ thì có 35 phiếu đồng ý, còn 3 phiếu không đồng ý.
Trong 3 phụ huynh không đồng ý, có 2 phụ huynh ghi là “không đồng ý”, còn 1 phụ huynh ghi vào phiếu “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ, tiền cơ sở vật chất đâu”.
Khi biết được thông tin này, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu hội phụ huynh của lớp ngừng lại.
Về đề xuất giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Huệ nhìn nhận:
“Đây là quyền của phụ huynh và là ý kiến cá nhân nên trường không can thiệp. Phụ huynh có quyền có ý kiến, có quyền góp ý với Chính phủ. Còn thực hiện nay không là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền chứ bản thân tôi và nhà trường không có ý kiến gì”.
Trước đó, trao đổi với báo chí về hiện tượng "lạm thu" đầu năm học, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) nhìn nhận: Câu chuyện lạm thu đầu năm học năm nào cũng tái diễn với những mức độ và hình thức khác nhau, trong đó có nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước”, gây ra những phản ứng trong dư luận.
Theo ông Khánh, để diễn ra những sự việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và ngành giáo dục các địa phương.
Về phía phụ huynh và hội cha mẹ học sinh, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã “vô tình” để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội.
Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Bạn có thể xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét