Câu chuyện về sự khác nhau giữa “kinh nghiệm dân gian" với những kiến thức khoa học đương thời chưa bao giờ hết “nóng”. Không nên chỉ trích những kinh nghiệm dân gian là lạc hậu, là sai lầm, bởi chúng cũng xuất phát từ lòng thương yêu trẻ, cũng đã giúp cho nhiều thế hệ lớn lên. Nhưng với những nghiên cứu khoa học gần đây, nhiều kiến thức mới đã được hé lộ.
Hôm nay, hãy cùng Bé Yêu đến với những kinh nghiệm, lời khuyên mà được chứng minh là không còn hợp lý nữa. Cái gì hợp lý và đúng đắn thì chúng ta nên chấp nhận với một sự vô tư, còn những gì không hợp lý thì hãy cùng thay đổi, phải không nào các mẹ?
1. Nếu bé khóc mà mẹ bế lên ngay lập tức là làm hư bé, tập cho bé thói quen xấu
Nhưng thực tế là không phải vậy. Ít nhất là trong 6 tháng đầu tiên. Nếu khi được mẹ bế lên là bé hết khóc thì có nghĩa là bé cần mẹ bế một lúc. Nhưng quan trọng hơn là bé cần phải xây dựng cho mình sự tin tưởng rằng khi bé cần điều gì, mẹ sẽ đáp ứng điều ấy. Trong 6 tháng đầu tiên của cuộc đời, bé cần phải học được về niềm tin, đó là việc quan trọng nhất của bé. Bé cần phải tin tưởng rằng những người xung quanh sẽ luôn chăm sóc cho bé. Nếu bé gào khóc mãi mà không có ai tới với bé, bé sẽ không bao giờ học được kỹ năng tin tưởng này.
Sau 6 tháng đầu tiền thì lại khác, mẹ không nên chạy tới ngay khi nghe bé khóc, hãy đợi một vài phút. Hãy để bé học và hiểu rằng bé có thể tự xoay sở được, ít nhất là trong vài phút. Bé có thể khóc to hơn, nhưng sau đó bé sẽ hiểu rằng mẹ sẽ tới, hãy tin tưởng mẹ.
2. Ăn nhiều đường làm bé tăng động
Đến nay, chưa có bằng chứng về việc này dù nhiều cha mẹ "cảm thấy" nó đúng với trường hợp con mình hay con nhà khác.
Vậy thì tại sao lại có hiểu lầm như trên. Thật ra vấn đề không phải là đường, mà bất cứ thực phẩm nào làm tăng đường huyết cũng sẽ làm tăng adrenaline và cũng dẫn tới sự tăng năng lượng đột ngột trong cơ thể. Hiệu ứng này thường được giảm xuống nhờ lượng chất xơ có trong thực phẩm, có tác dụng giữ lượng đường này không "tràn ra" một lúc. Tuy nhiên thường thì những món nhiều đường lại chứa rất ít chất xơ, do vậy chúng hay gây nên sự tăng đột biến về năng lượng, chứ không phải là do bản thân chất đường.
Do vậy, nếu bé thường xuyên bị quá dư năng lượng, mẹ hãy thử thay nước ép trái cây bằng cách cho bé ăn nguyên trái, và nhớ luôn cho bé ăn đủ chất xơ.
3. Những bé biết nói và biết đi sớm là những bé thông minh nhất
Việc biết đi và biết nói sớm thật sự chẳng có ý nghĩa gì trong cả cuộc đời dài phía trước. Thế nhưng những bé biết nói và biết đi quá trễ thì rất có thể là có những vấn đề về phát triển.
Trong thực tế, việc biết đi và biết nói thường được chú ý nhiều, nhưng chúng chỉ kết quả của sự phát triển vận động, chẳng hạn, thông thường bé phải biết bò rồi thì mới biết đi, bé phải biết điều khiển cơ miệng thuần thục thì mới biết nói được. Mà những kỹ năng này không liên quan gì đến việc thông minh hay không.
4. Nếu mẹ không nghiêm khắc với mọi hành vi không "ngoan" của con, con sẽ hư
Thật sự là không thể lúc nào cũng nghiêm khắc với bé được, bởi nó phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể, vào tâm trạng của mẹ và của bé, vào cả giai đoạn phát triển của bé bởi những hành vi này có thể là đặc trưng của giai đoạn phát triển. Do vậy, mẹ không cần phải nghiêm khắc với bé trong mọi tình huống mà quan trọng hơn, mẹ cần để bé hiểu khi nào mẹ đang nghiêm túc và bé phải nghe lời mẹ.
Nghĩa là mẹ hãy uyển chuyển trong việc phản ứng với những hành vi xảy ra không thường xuyên, hoặc không nghiêm trọng của bé.
Hãy thận trọng khi quyết định ngăn cấm hay phạt bé khi bé làm điều gì đó. Nếu tình huống hay hoàn cảnh không phù hợp thì không nên làm vậy, hãy bỏ qua, bởi việc ngăn cấm hay trách phạt bé trong thời điểm không thích hợp không những khó có kết quả tốt, mà còn có thể dẫn tới những xung đột khác nữa.
5. Sau 3 tuổi, não bộ của bé đã ngừng phát triển
Thật ra, trong 3 năm đầu đời, các bé cần học những kỹ năng sống còn như nhìn, nghe,... Còn những hoạt động vi tế hơn như chơi đàn, học ngoại ngữ thì các bé sẽ học sau. Nghĩa là não bộ của bé vẫn tiếp tục phát triển sau 3 tuổi, sẽ có những vùng não mới phát triển và được sử dụng tích cực suốt những năm tuổi thơ và cho tới khi trưởng thành. Đó là lý do người lớn có thể tư duy trừu tượng còn bé 2 tuổi thì không.
Vậy nhưng nhiều cha mẹ lại hiểu sai rằng sau 3 tuổi, "cửa sổ vàng" cho sự phát triển não bộ sẽ đóng lại. Một phần là do sự quảng cáo phóng đại của các loại thực phẩm chức năng, sản phẩm giáo dục sớm,...
Để giúp bé phát triển tốt nhất, mẹ hãy cất các loại nhạc Mozart đi, hãy cất những chương trình giáo dục sớm, học chữ sớm đi, hãy lắng nghe bé để biết bé cần gì. Ví dụ, bé 2 tuổi rất tò mò về thế giới xung quanh, mẹ có thể dạy bé về sinh vật học khi cùng bé đi dạo. Hãy dành sự quan tâm cho bé nhiều hơn, đó chính là cách giúp bé phát triển tốt nhất
Tham khảo biểu hiện của bệnh lạc nội mạc tử cung nguy hiểm ở chị em
0 nhận xét:
Đăng nhận xét