Có thể nói chưa bao giờ thị trường “vay tín chấp, vay nóng, bốc họ”... lại hoạt động sôi động như hiện nay. Nếu ở ngoài nhìn vào thì chỉ thấy nó rất êm đềm, âm thầm, lặng lẽ. Nhưng dòng chảy ngầm này đã và đang khiến cho không ít người thất điên bát đảo, thậm chí nó còn là nguồn gốc của những vụ thanh toán theo kiểu “xã hội đen”, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự xã hội.
1. Vài ba năm trước đây, dân “tư vấn tài chính” (mà đúng hơn là tín dụng đen) thường tập trung giăng bẫy những đối tượng như công chức, viên chức nhà nước hay những con bạc khát nước, từ đó thu lại những món lợi kếch xù.
Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây thì đối tượng cho vay chủ chốt đang được chuyển hướng sang các tiểu thương cần vốn buôn bán, hoặc cho giới học sinh, sinh viên vay tiêu dùng. Những khoản vay tưởng chừng không lớn (chỉ từ 10 đến 50 triệu đồng) song chỉ qua một thời gian ngắn nó sẽ trở thành món nợ khổng lồ.
Chị Trần Thanh V. (một tiểu thương ở chợ Thành Công) rùng mình nhớ lại việc mình đã trở thành con mồi của đám tín dụng đen. 6 tháng trước, vì cần vốn để kinh doanh chị tham gia “bốc họ” của một đường dây tư vấn tài chính thuộc dạng lớn của Hà Nội. Do chị có hộ khẩu TP Hà Nội, và có sạp bán thịt lợn ở chợ nên chỉ sau 15 phút làm thủ tục chị đã được các đối tượng giải ngân.
Điều đáng nói ở đây là chị vay 50 triệu đồng, song chỉ nhận được 40 triệu kèm điều kiện chị sẽ phải trả mỗi ngày 1 triệu đồng, trả liên tiếp trong vòng 50 ngày. Nếu chậm ngày nào sẽ bị tính lãi ngày ấy.
Khi ký vào giấy vay mượn, chị nghĩ đơn giản là “tự nhiên” có vốn làm ăn. Mà mỗi ngày trả tiền gốc 1 triệu đồng là điều nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, khi trả được đến ngày thứ 9 chị V. đã thấy “oải”. Một phần là do chị phải đặt cọc với “lái lợn” mất phân nửa số vốn đã vay. Thêm nữa, chị tính mở rộng bán thêm thịt bò, bê nên cạn sạch vốn.
Điều chị không ngờ là giá lợn, bò cứ sụt giảm từng ngày khiến tiền lãi buôn bán không đủ trả lãi gốc. Sau lại đến con ốm, chồng tai nạn khiến cho cả tháng trời chị không trả được tiền gốc. Số tiền này được bên cho vay “nhập gốc” và tính lãi ngày 10 ngàn đồng/1 triệu. Qua khoảng 3 tháng “bốc họ”, số tiền gốc và lãi của chị V. đã lên tới cả trăm triệu đồng.
Trang rao vặt của một đường dây tư vấn tài chính ở Hà Nội.
Đó là con số mà lúc đặt bút vay, chị không tài nào tưởng tượng ra được. Cực chẳng đã, chị đã phải thế chấp sổ đỏ mảnh đất gia đình đang ở cho ngân hàng để trả cho xong món nợ “bốc họ” kia đi. Rồi lại chắt bóp để trả lãi ngân hàng. “Dù sao thì lãi suất ngân hàng cũng dễ thở hơn” - chị V. tâm sự.
Tương tự chị V., mấy tháng trước anh Nguyễn Văn Thọ cùng 2 người bạn nữa chung vốn mở một quán phở bò trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Ngoài vốn 3 người góp ban đầu thì anh Thọ còn đứng ra “vay nóng” 40 triệu đồng của một đường dây “tư vấn tài chính” để trang trải chi phí thuê nhà, thuê nhân công. Trên giấy tờ là vay 40 triệu song anh Thọ chỉ mang về được 32 triệu, và mỗi ngày anh sẽ phải nộp lại 800 ngàn tiền gốc, liên tiếp trong 50 ngày.
Khoảng mươi ngày đầu quán phở làm ăn được, nên anh Thọ có đủ tiền để trả tiền vay gốc. Tuy nhiên, sau khi TP Hà Nội “làm mạnh” việc dẹp vỉa hè thì quán của anh mỗi ngày mất quá nửa khách hàng. Dĩ nhiên, anh Thọ phải đi vay thêm một gói khác để bù vào. Trong vòng 6 tháng, 3 đồng chủ quán đã dính khoản nợ lên đến cả trăm triệu đồng. Họ vội vã bán tống bán tháo cửa hàng để trả nợ, mà mỗi người vẫn còn nợ hơn 20 triệu đồng nữa!
Cũng chính vì lãi suất quá “khủng” và đủ trò cắt cổ người vay như vậy, nên những đường dây làm tài chính đưa ra điều kiện cho vay rất dễ dãi. Việc giải ngân chỉ khoảng 15 phút đến dưới 1 ngày sau khi ký tá. Thậm chí người vay không cần phải “nhấc mông” khỏi nhà. Chỉ cần chụp lại sổ đỏ, chứng minh thư gửi qua email là sẽ có nhân viên của trung tâm tài chính đến tận nơi làm hợp đồng và đưa tiền cho.
Chỉ với một phép tính đơn giản, có thể thấy “bốc họ” là một cái bẫy tài chính tinh vi song không phải ai tham gia cũng có thể phát hiện được. Khi vừa đặt bút ký thì người vay đã bị khấu trừ mất 20% trong tổng số vốn được vay. Nghĩa là người vay đã phải chấp nhận lãi suất gần 10%/tháng, tương đương gần 120%/năm. Trong khi các tổ chức tín dụng hiện cho vay chỉ khoảng 10%/năm!
Bên cạnh đó, còn nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng mà hiếm khi người vay đọc kỹ. Ví dụ như khoản phạt nếu chậm trả gốc, hay lãi cộng dồn sau mỗi ngày chậm trả... Và không sớm thì muộn, đa số người dân vay tiền với lãi suất cao sẽ đến lúc khó có khả năng chi trả. Lúc này, đối tượng cho vay sẵn sàng đe dọa, đánh đập, bắt giữ, đập phá, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.
Một ổ nhóm chuyên bắt giữ người trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cướp tài sản liên quan đến tín dụng đen phải ra trước vành móng ngựa.
2. Trong vai một sinh viên đang “khát tiền” để mua điện thoại di động tặng bạn gái, tôi gọi vào số điện thoại của một trung tâm tư vấn tài chính được quảng cáo là “thủ tục gọn, giải ngân nhanh” trên mạng xã hội Facebook. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh cần 20 triệu để tiêu dùng mà không đủ điều kiện vay ngân hàng, muốn vay “nóng” ít ngày, người đàn ông tên Long trả lời ngắn gọn: “Nếu em có hộ khẩu Hà Nội hoặc giấy tờ nhà chính chủ thì được, muốn vay bao nhiêu cũng có”.
“Thủ tục và lãi suất thế nào hả anh?” - tôi hỏi. “À, bọn anh cần xác minh giấy tờ của em và ngó qua nhà em đang ở là xong. Lãi suất thì cứ 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày” - anh ta trả lời.
Tôi nhẩm tính: Như vậy là lãi suất 15%/tháng. Thắc mắc sao lãi suất cao thế, Long trả lời: “Thì bọn anh đưa cho em cả đống tiền mà chỉ cầm lại một mảnh giấy, rủi ro cao như vậy nhỡ em “bùng”, ai chịu cho anh?”.
Thấy tôi ngập ngừng, người đàn ông này bảo: “Em cứ suy nghĩ thêm, nếu không thì vay kiểu “bốc họ”: 20 ăn 16. Em cầm 16 triệu và nộp cho anh mỗi ngày 400 ngàn trong vòng 50 ngày”. 16 triệu vẫn chưa đủ để mua điện thoại nên tôi đề nghị vay 30 triệu. Vay 30 triệu nhưng tôi sẽ chỉ được giải ngân 24 triệu, đồng thời mỗi ngày sẽ phải trả gốc 600 ngàn đồng trong vòng 50 ngày.
Theo Thanh Tuấn (từng là nhân viên của một công ty làm tài chính) hiện tại mức lãi suất cho những khoản vay tín chấp là khoảng 5.000-6.000 đồng/1 triệu/1 ngày với những khách quen, còn khách lạ là 10.000 đồng. Dù lãi suất cao như vậy song không ít người khi vay lại rất mơ hồ về điều này. Đến lúc chậm trả, lãi mẹ đẻ lãi con mới tá hỏa lên thì đã muộn.
“Có trường hợp vay của chủ 300 triệu đồng, đã trả dần hơn 1 năm được gần 200 triệu rồi. Thế mà chủ nợ thông báo số tiền phải trả vẫn còn khoảng 200 triệu nữa” - Tuấn kể.
Cũng do thiếu tính toán trong vay mượn, làm ăn mà đa phần tiểu thương có vay nóng, “bốc họ” sau một thời gian đều lâm vào cảnh kiệt quệ, phá sản. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, các con nợ mất khả năng thanh toán thì có một nhóm thanh niên người đầy “mực” (xăm trổ) đến tận nhà con nợ đe dọa, cưỡng chế tài sản, gạ bán rẻ nhà đất... Và cũng từ mức lãi suất cắt cổ như trên, nhiều chủ nợ vẫn hằng ngày, hằng giờ sống sung túc nhờ “hút máu” các con nợ.
3. Còn nhớ ngày đầu tháng 4-2017, người dân ở phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) phải một phen “xanh mắt mèo” khi chứng kiến đám xã hội đen “dằn mặt” một gia đình có người thân tham gia “bốc họ”.
Khoảng 16 giờ ngày hôm đó, khi 3 chú cháu chị Bùi Thị L. đang ngồi trong cửa hàng tại số 6, đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, thì bị 2 người đi xe máy hiệu Honda SH đến đòi nợ. Vừa bước vào cửa hàng, 2 thanh niên này lớn tiếng chửi bới ông Bùi Văn T. (SN 1976, chú chị L.) để đe dọa, đòi số tiền mà vợ cũ ông T. nợ chúng. Tiếp đó 2 kẻ côn đồ xông vào đánh anh Nguyễn Anh H. (chồng chị L.), dùng thùng sơn đổ lên người anh H. và ông T., rồi lấy vỏ thùng đập liên tiếp vào đầu và người anh H.
Thấy vậy, chị L. và ông T. vào đẩy 2 gã côn đồ ra ngoài rồi tri hô hàng xóm đến ứng cứu. 2 tên tên côn đồ bỏ chạy không kịp lấy xe máy. Sau đó, ông T. và anh H. lên trụ sở cơ quan Công an trình báo.
Một số đối tượng đòi nợ thuê bị bắt giữ cùng hung khí.
Khi lực lượng công an vừa rời khỏi hiện trường, tiếp tục có 2 chiếc xe máy dán băng dính đen che kín biển số chở theo 4-5 đối tượng đeo khẩu trang, mang theo dao, kiếm, xông vào nhà đập phá, tìm anh H. và ông T. để xử lý. Không thấy người cần tìm, bọn côn đồ đập phá tủ kính trong cửa hàng rồi bỏ đi.
Theo lời của chị L., người nợ tiền bọn chúng là bà Lê Thị M. (vợ cũ ông T.). Mặc dù cả 2 đã ly hôn nhưng các chủ nợ vẫn đến tìm ông để siết nợ, vì bà M. đã bỏ trốn. Trước đó khoảng nửa năm bà M. “bốc họ” 700 triệu đồng khiến ông T. phải bán nhà trả nợ. Hiện bà M. đang nợ rất nhiều người, tổng số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng. Ông T. đã ly hôn với bà M. nhưng chủ nợ vẫn không buông tha.
Trước đó, đầu năm 2015 Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã triệt phá một ổ nhóm chuyên đòi nợ thuê. 3 đối tượng Đỗ Trọng Huy (trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội); Đỗ Minh Đức (trú tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) và Nguyễn Đức Vương (trú tại Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Được biết, anh H.Đ.N. (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có vay của Huy số tiền 6 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày trong thời hạn 50 ngày. Hết thời hạn, anh N. chưa có tiền trả nên nhiều lần Huy thuê Đức và Vương đến chửi bới, đe dọa, ném chất bẩn vào nhà anh N.
Ngày 8-1-2015, nhóm đối tượng này lại kéo đến nhà anh N. đòi tiền, nhưng anh N. không có nhà, vì thế bọn chúng lại chửi bới và phá phách nhà anh N. Khi bố của anh N. là ông T. mở cửa ra ngoài đã bị một đối tượng cầm dao bầu xông đến đâm. Cú đâm trượt khiến áo khoác của ông T. bị rách.
Ngày 15-1-2015, lực lượng chức năng đã tổ chức mai phục tại một quán cà phê thuộc địa bàn phường Nhân Chính, kịp thời xuất hiện bắt quả tang các đối tượng đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh N.
Theo một chuyên gia về tài chính, thực tế nhu cầu vay vốn của người dân đặc biệt là những khoản tiền dưới 50 triệu đồng hiện rất lớn. Tuy vậy những tiểu thương cần vay vài chục đến vài trăm triệu để kinh doanh rất khó vay được tiền của ngân hàng bởi những đòi hỏi khắt khe về tài sản thế chấp hoặc giải trình về mục đích vay... Nhiều trường hợp khác, người vay chấp nhận rủi ro đi vay là để phục vụ những nhu cầu cấp bách (người thân bị bệnh hiểm nghèo, cho con cái đi học...) và nhiều người lâm vào hoàn cảnh túng bấn, không thể vay tiền từ người thân cũng như ngân hàng, đành “nhắm mắt đưa chân” vào cánh cửa mời chào của “tín dụng đen”.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ riêng trong năm 2016, thành phố Hà Nội đã xảy ra gần 200 vụ việc liên quan đến hoạt động “giải họ”, “bốc họ”.
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, những năm gần đây đơn vị xác định việc phòng ngừa tội phạm từ hoạt động “tín dụng đen” là một chuyên đề lớn, dài lâu, có tính đến trọng điểm.
Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng hình sự sẽ phát hiện những đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi để tổ chức răn đe, kiểm tra, phòng ngừa nghiệp vụ. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng lực lượng hình sự sẽ không đủ sức ngăn chặn “tín dụng đen”.
Công an các cấp cũng như chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cần phải tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, kết hợp với việc bóc xóa những tờ rơi quảng cáo gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.