Ăn uống là yếu tố quan trọng nhất để có được một sức khỏe tốt, nhất là với các bé. Thông qua ăn uống, chúng ta cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể của bé hoạt động và phát triển tối ưu. Ngược lại, ăn uống không đúng cách cũng có thể mang lại nhiều bệnh tật cho cơ thể.
Hình thành thói quen ăn uống tốt cho bé là hết sức quan trọng, bởi thói quen ăn uống này sẽ đi theo bé suốt cuộc đời. Những thói quen không tốt thì cần phải sửa đổi ngay hôm nay. Hãy cùng điểm lại những thói quen ăn uống không tốt thường gặp ở các bé nhé.
Uống nhiều nước trước bữa ăn
Cơ quan tiêu hoá chủ yếu của cơ thể là dạ dày. Dịch vị do dạ dày tiết ra có khả năng phân giải tiêu hoá thức ăn. Thành dạ dày còn có thể tạo ra men có lợi cho quá trình tiêu hoá chất béo và anbumin. Những men này trong môi trường axit có khả năng tiêu hoá một cách thuận lợi.
Khi ăn cơm, động tác nhai kích thích các tuyến nước bọt xung quanh miệng tiết ra nhiều nước bọt và men tiêu hóa; dạ dày cũng tiết ra nhiều dịch vị và các men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Nếu trước bữa ăn mà bé uống nhiều nước, thì lượng nước đó sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, loãng các men tiêu hóa, làm cho dạ dày chứa đầy nước nên bé cảm thấy ăn không ngon.
Không những vậy, uống nhiều nước trước khi ăn sẽ làm loãng lượng axit clohyđric trong dạ dày, do bị giảm tính axit nên men tiêu hoá không thể phát huy tác dụng tiêu hóa thức ăn, dẫn đến khó tiêu, ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể. Nghĩa là dù bé có ăn nhiều nhưng cơ thể không nhận được các chất dinh dưỡng.
Ăn cơm chan canh
Hầu hết các bé đều thích chan canh vào ăn chung với cơm vì dễ ăn, đặc biệt là trong những ngày hè oi bức. Tuy nhiên, điều này lại rất có hại cho tiêu hóa, nghiên cứu cho thấy, những người thường chan cơm ăn với canh hoặc ăn canh ngay sau khi ăn cơm có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa rất cao, nguyên nhân là do:
Khi ăn cơm chan canh, nước canh đóng vai trò như "chất bôi trơn" khiến các bé có xu hướng nuốt cơm nhanh hơn, và phần đa là không nhai kỹ đồ ăn. Điều này dẫn tới kém hấp thụ chất dinh dưỡng trong thành ruột và gây hại cho dạ dày.
Khi bé nhai thức ăn, nước bọt không ngừng được tiết ra để làm ẩm thức ăn giúp việc nhai thức ăn diễn ra nhanh hơn, enzyme trong nước bọt cũng hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn rất có lợi cho sức khỏe. Nếu ăn cơm chan canh, thức ăn được nuốt khi chưa kịp hấp thụ nước bọt đã tiêu hóa xuống dạ dày dẫn đến việc tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Uống nước lạnh trong hoặc ngay sau bữa ăn
Để dỗ dành bé ăn được nhiều hơn, rất nhiều mẹ đã cho con vừa ăn vừa uống nước, chẳng hạn ăn một thìa cháo thì uống một thìa nước. Nhưng uống nước trong lúc ăn hoặc ngay sau khi ăn là rất có hại, nhất là nước lạnh.
Nước lạnh sẽ làm đông đặc những chất dầu mỡ mà bé vừa ăn xong tạo thành những chất sệt và quánh lại, cản trở và làm chậm tiêu hóa. Tốt nhất là cho bé ăn súp nóng hay canh nóng trong bữa ăn và uống một ít nước ấm tráng miệng sau bữa ăn. Chứ không nên uống nước (lạnh) xen kẽ trong bữa ăn và khi mới ăn xong.
Xem TV, điện thoại khi ăn
Nhiều gia đình vì muốn dỗ con ăn nhiều nên đã mở tivi, cả nhà vừa ăn cơm vừa xem. Bé ăn được hơn hay không thì chưa biết nhưng chắc chắn là sẽ ảnh hưởng rất có hại tới quá trình tiêu hóa của bé.
Ở độ tuổi còn nhỏ của các bé, khi ăn mà mắt thì dán vào màn hình TV thì trước tiên sẽ làm phân tán khả năng chú ý, ảnh hưởng đến sự ngon miệng; tiếp theo là ảnh hưởng đến sự tiết axit dạ dày và tiết enzyme, khiến cho thức ăn không thể tiêu hóa hoàn toàn, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và quá trình phát triển trí tuệ của bé. Đó cũng là một nguyên nhân có thể khiến bé biếng ăn hơn nữa, cha mẹ lại càng dùng TV để dỗ bé ăn. Đó là cái vòng luẩn quẩn.
Những thói quen trong ăn uống này tưởng chừng nhỏ thôi nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Chăm con là quá trình lâu dài đòi hỏi không chỉ thời gian, công sức mà còn cần cả sự kiên nhẫn và kiến thức nữa. Hãy thay đổi những thói quen chưa tốt của bé ngay từ hôm nay nhé.
Tham khảo khối u lạc nội mạc tử cung của chị em
0 nhận xét:
Đăng nhận xét