Khi con còn trong bụng mẹ, lúc nào mẹ cũng hình dung tới lúc con ra đời, con bú dòng sữa mẹ, rồi đến khi đủ phát triển, con sẽ bắt đầu ăn dặm. Mẹ sẽ dành biết bao tâm huyết chế biến món ăn, để con có những bữa ăn ngon miệng, đầy niềm vui.
Không phải bữa ăn của bé khi nào cũng đầy niềm vui như các mẹ từng tưởng tượng. Thay vào đó, mỗi bữa ăn có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức của mẹ, thậm chí là nhiều mẹ đã phải ép con ăn, mắng nhiếc, khóc lóc,... Bao nhiêu tài liệu về dạy con ăn ngoan, tập cho con ăn tự lập, phương pháp ăn dặm khoa học,... đều có vẻ chẳng có tác dụng gì. Làm sao để "đối phó" với "bệnh" biếng ăn của bé?
Điều cốt yếu là làm cho bé thật sự yêu thích thức ăn, yêu thích sự ăn và bữa ăn của mình. Hãy thử một vài gợi ý dưới đây nhé.
1. Cùng con... đi chợ
Tại sao lại phải đưa con cùng đi chợ nhỉ? Để giúp con hình thành tình yêu đối với thực phẩm từ tận gốc rễ. Khi cho bé đi chợ cùng với cha mẹ, bé sẽ hiểu được món ăn này làm từ thứ gì, đến từ đâu, và còn biết thêm bao nhiêu điều thú vị về món ăn đó nữa. Điều này sẽ khiến bé có cái nhìn khác về các món ăn và về thực phẩm. Bé sẽ hào hứng chờ đợi mẹ chế biến những thực phẩm mà bé chọn mua cùng với mẹ.
Chẳng hạn, món salad không có gì hấp dẫn với bé, nhưng nếu bé được mẹ đưa đi chợ, lựa chọn từng củ cà rốt, củ khoai tây, các loại hạt để trộn cùng nhau nhằm chế biến ra món salad này, bé sẽ có sự thích thú, hào hứng chờ đợi để ăn món ăn mà "bé đã cùng mẹ đi mua".
Tuyệt vời hơn nếu mẹ ở gần những trang trại rau sạch và bé có thể đến thăm quan (hiện nay ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có những trang trại rau sạch cho phép người mua đến thăm quan). Việc đi thăm những vườn rau không chỉ giúp bé hình thành tình yêu thương, quý trọng đối với đồ ăn, thực phẩm mà còn giúp bé mở rộng kiến thức về thiên nhiên, về trồng trọt.
2. Cuộc hẹn của cả gia đình
Không phải là hẹn nhau đi ăn ở các quán ăn đâu mà là cả nhà sẽ cùng tụ họp đông đủ để thưởng thức một món ăn mới. Có thể đó là một món salad đơn giản hay là một món ăn cầu kỳ, cũng có thể là món ăn cũ nhưng được thay đổi chút ít. Cả nhà sẽ cùng thưởng thức và cho nói cảm nhận của mình về món này. Hãy nói với bé là bé đã đủ lớn để cùng tham gia vào hoạt động chung này của gia đình, điều đó sẽ làm bé thấy mình "quan trọng" và sẽ ăn một cách nhiệt tình.
Bé nào cũng thích được khen. Vì vậy, nếu bé thử một loại đồ ăn mới, dù ít hay nhiều, hãy khen ngợi bé một cách nhiệt tình và vui vẻ.
3. Cùng nhau nấu nướng
Thường thì bé sẽ thích thú với bữa ăn hơn nếu bé được tham gia vào quá trình chuẩn bị, nấu nướng. Vậy thì mẹ hãy tìm cho bé những việc phù hợp với lứa tuổi của bé để bé được "giúp mẹ" nấu nướng nhé. Ví dụ: lấy tô lấy hộp nhựa để đựng thực phẩm, phân loại các loại rau, bé 3 tuổi thì có thể nhặt rau rồi. Đó là những việc nhẹ nhàng mà bé có thể làm, vừa giúp bé chơi vui, có thêm kiến thức về thực phẩm, lại vừa kích thích bé ưa thích món ăn. Bé lớn hơn thì có thể giúp mẹ nhiều việc hơn nữa.
Ngoài ra, hãy khuyến khích bé tự đi lấy bát, đĩa, thìa ăn cơm cho mình hoặc cốc uống nước. Bé sẽ mong đến bữa ăn để được tự mình lựa chọn xem hôm nay mình sẽ ăn bát có hình thù thế nào, màu gì. Mỗi bữa ăn sẽ là một dịp vui vẻ với bé.
4. Bày biện món ăn thật ngon lành
Những mẹ nào cho con ăn kiểu ăn dặm Bé chỉ huy thì chắc hẳn rất quen với việc bày biện này. "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm", nếu món ăn được chuẩn bị ngon lành, bày biện đẹp mắt thì chắc chắn cũng giúp bé có hứng thú ăn hơn.
Bày biện không khó, mẹ tìm trên internet sẽ thấy rất nhiều. Hãy tham khảo và rồi tự sáng tạo theo ý thích của bé và của mẹ nhé.
Một điểm nữa là hãy cho bé ngồi ăn chung với cả nhà ngay từ khi mới ăn dặm. Cùng ăn với cả gia đình sẽ giúp bé bắt chước mọi người ăn uống một cách tự giác, ăn ngon miệng, phấn chấn và tiêu hoá tốt.
Tham khảo dấu hiệu bệnh lạc nội mạc tử cung tại đây
0 nhận xét:
Đăng nhận xét