Với những xe độ bóng đèn mới giúp sáng hơn nhưng không ảnh hưởng tới xe ngược chiều liệu có bị từ chối đăng kiểm hay không.
Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 26/10/2018 đã có văn bản số 6688/ĐKVN-VAR gửi các đơn vị đăng kiểm, yêu cầu thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc xử lý tình trạng các phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định. Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thực hiện đúng các quy định trong công tác kiểm định: “Kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất”.
Cá nhân tôi rất phản đối chuyện độ đèn rồi sử dụng một cách vô ý thức hoặc đèn zin nhưng vẫn tùy tiện bật pha (đèn chiếu xa). Tuy nhiên, đối với những người độ đèn và sử dụng có ý thức thì sao? Như xe của tôi, do là xe đời cũ nên nhà sản xuất chỉ trang bị bóng đèn chiếu sáng là bóng halogen (đời sau được trang bị bóng LED), nhưng vì bóng LED gắn vào chóa zin gây tán sáng quá mức nên tôi đã chọn giải pháp độ bi-xenon, người làm cho tôi là một người chuyên độ đèn, rất có tâm bởi khi làm đèn, anh canh chỉnh rất kỹ để ánh sáng gom, không hắt lên cao làm chói mắt xe ngược chiều.
Dù mang tiếng là xe độ đèn nhưng quả thật, cường độ sáng vẫn còn thua xa những dòng xe cao cấp và thực tế trong hơn 2 năm sử dụng, tôi chưa hề bị những người đi ngược chiều phản ứng hay “đá đèn” vì chói mắt. Thế nhưng văn bản 6688/ĐKVN-VAR nói rằng “Kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất”.
Tôi có thể hiểu là bất cứ chỗ nào không đúng thiết kế của nhà sản xuất cũng đều bị từ chối đăng kiểm? Ví dụ đèn hậu xe tôi do xe đời trước bóng halogen không bền tôi thay bằng bóng LED của Philips hoặc Osram (cường độ sáng tương đương, không hề ảnh hưởng đến người đi đường) thì bị từ chối đăng kiểm hoặc bị phạt vì “không đúng thiết kế của nhà sản xuất”? Thậm chí gắn thêm camera hành trình cũng có thể bị từ chối vì “có lắp thêm thiết bị điện?".
Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên nghiên cứu và quy định rõ thế nào là “cường độ lớn sai quy định” bởi ngay chính một dòng xe nhưng đời xe khác nhau thì loại đèn chiếu sáng cũng có thể khác nhau (do hãng sản xuất cải tiến để kích cầu), vậy những xe đời đầu nếu thay cụm đèn chiếu sáng của xe đời sau cũng là sai quy định. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu quy định cụ thể thế nào là “gây chói mắt” bởi nhiều xe dù độ bi-xenon nhưng ánh sáng rất gom, đường cắt rất thấp... thậm chí xe ngược chiều còn dễ chịu hơn bóng halogen.
Ở các nước gần Việt Nam ta như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... xe độ rất nhiều nhưng tôi quan sát thấy dù độ nhưng không làm phiền đến ai, không gây nguy hiểm cho người khác. Rất mong các cơ quan chức năng nghiên cứu đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể hơn trong việc đăng kiểm hoặc xử phạt, vì nhiều trường hợp chưa có điều kiện “lên đời”, phải thay linh kiện của xe đời sau hoặc có cải tiến nhưng không gây chói, nguy hiểm cho người khác thì không đáng bị cấm, chỉ có những người dùng sai mục đích hoặc vô ý thức mới đáng bị phê phán lên án, bị từ chối và bị phạt.
Độc giả Hòa Văn
Theo VnExpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét