Ông Phạm Đồng Quảng, Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết: đã có nhiều biểu hiện trước mắt của tình trạng tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Không còn là cảnh báo
Các kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ về sự ảnh hưởng của BĐKH đối với ngành nông nghiệp.
Theo đó tại một số nơi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng, mức độ nhiễm mặn trên 4/00 đã lấn sâu vào từ 30 đến 40km khiến cho diện tích bị nhiễm mặn trên 4% hiện nay là chừng 1.300 nghìn ha.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu nước biển dâng 0,69 m thì diện tích bị nhiễm mặn trên 4% sẽ tăng lên hơn gần 1.500 nghìn ha và với kịch bản nước biển dâng 1 mét số đó sẽ là hơn 1.600 nghìn ha.
Khi nước biển dâng cao 1 mét thì nhiều nơi chuyên trồng lúa hai vụ một năm không còn có thể sản xuất do nước mặn xâm nhập.
Không chỉ bị nhiễm mặn, tình hình hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn và tần suất xuất hiện dày hơn.
Khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, như năm 2010 khô hạn xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh ở miền núi phía Bắc và các tỉnh bắc Trung bộ. Khi đó tỉnh Sơn La là tỉnh có diện tích ngô lớn nhất, năng suất giảm đến 40%.
Cũng trong năm 2010 vụ hè thu ở các tỉnh bắc Trung bộ lẽ ra phải cấy trong tháng 6 nhưng hết tháng 7 vẫn chưa thể cấy vì đồng khô hạn, ngay ở các hồ chứa cũng không có nước.
Năm nay 2013, nóng hạn xảy ra rất nghiêm trọng ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Lẽ ra 16 nghìn ha lúa hè thu phải gieo cấy, nhưng không có đủ nước nên có khuyến cáo nông dân không sản xuất.
Tình trạng rét đậm, rét hại cũng có nhiều biểu hiện thất thường, không bình thường. Rõ nhất là rét dài hơn, nhưng ngày rét đậm- rét hại nhiều. Rét xâm nhập sâu hơn vào các tỉnh bắc Trung bộ và nam Trung bộ. Trước đây rét chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh miền núi phía bắc thôi; nhưng gần đây mức độ của rét nghiêm trọng hơn, xâm nhập cả vào phía Nam.
Điển hình năm 2008, 2010 đợt rét làm hàng nghìn héc ta của Bình Định, Phú Yên cũng bị ảnh hưởng bị lép vì khi trổ bông gặp điều kiện nhiệt độ thấp.
Ở các tỉnh miền Bắc thì số ngày rét liên tục tăng lên từ 38 đến 40 ngày, rồi những ngày rét đậm- rét hại tăng lên. Tình hình đó gây khó khăn cho sản xuất vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc, rồi vụ đông xuân ở các tỉnh miền Trung và thậm chí ảnh hưởng lên cả Tây Nguyên.
Ngành nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi thời tiết diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu |
Thích ứng
Theo KS Nguyễn Thành Nam, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đã được nhiều quốc gia coi là nhiệm vụ chiến lược. Trong đó, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu có một vai trò hết sức quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chính vì thế cần có giải pháp để sử dụng có hiệu quả đất canh tác, tận dụng các loại luống, liếp, giàn, trồng thủy sinh,… Nghiên cứu giống cây trồng chịu nước và dịch bệnh, có năng suất cao; nghiên cứu các công nghệ sinh học, phân bón và khả năng trồng linh hoạt; tăng cường công tác quy hoạch đất trồng trọt; nâng cao nhận thức cho người dân về tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng; lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch, quy hoạch, chính sách của ngành nông nghiệp.
Đối với tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng đến các loại cây trồng; làm thay đổi mùa vụ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và làm gia tăng dịch bệnh, sâu bệnh ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.
Theo đó cần: "Nghiên cứu chuyển đổi thời vụ các loại cây trồng dễ bị tác động; xây dựng hệ thống đập, đê bao ngăn nước, ngăn mặn; có chính sách xã hội phù hợp hỗ trợ cho người làm nông nghiệp", KS Nam gợi ý.
Còn ông Phạm Đồng Quảng cho biết hiện nay trong chiến lược phát triển của trồng trọt và trong các qui hoạch, kế hoạch, đề án sản xuất nếu trước đây chưa quan tâm đúng mức nay phải quan tâm đúng mức đến tác động của biến đổi khí hậu để đưa vào trong chiến lược, chủ trương, chính sách rồi những qui hoạch, kế hoạch đó một cách toàn diện lường được cả những yếu tố của biến đổi khí hậu vào chính sách, giải pháp đi kèm.
Còn lĩnh vực trồng trọt phải tập trung vào một số giải pháp chính. Trước hết là những giải pháp cứng, tức giải pháp công trình, phải đầu tư hệ thống thủy lợi, hệ thống hồ đập, công nghệ tưới...
"Sẽ xây dựng chính sách và có những thử nghiệm làm sao khuyến khích nông dân sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng những công nghệ như công nghệ tưới của Israel: nhỏ giọt hay phun mưa vừa tiết kiệm nước vừa làm cây trồng phát triển tốt hơn. Hiện nay tưới cà phê lãng phí nước rất lớn, trong khi nguồn nước ngầm đang suy giảm. Đó là những biện pháp công trình, đầu tư…", ông Quảng cho biết.
Ngoài ra ngành cũng nghiên cứu chuyển đổi từ loại cây trồng này sang cây trồng khác chịu hạn, chịu úng hơn. Chuyển từ giống hiện nay sang những giống thích ứng hơn với sự chuyển đổi của thời tiết- chịu hạn, chịu úng, chịu rét, chịu mặn, chịu phèn tốt hơn…
Mới đây Việt Nam đã chính thức tham gia Liên minh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (ACSA). Động thái này được trông đợi là bước đi đột phá đầu tiên tiến tới một loạt các hoạt động mở rộng và điều phối trên phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Phương Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét