Trước khi chế tạo ra xe bọc thép cho Campuchia và nhiều loại máy phục vụ cho nông nghiệp, trước đó 5 năm, nông dân Trần Quốc Hải (Tây Ninh) đã tự chế tạo thành công 2 chiếc trực thăng.
Và sau khi có thông tin ông Hải làm được máy bay, các đoàn của chính phủ đến….khảo sát.
Chiếc trực thăng thử nghiệm của ông Hải. |
“Nhìn chiếc máy bay để tại nhà, cảm nhận đầu tiên của họ là tỏ ý không tin người Việt Nam có đủ trình độ để có thể chế tạo được máy bay. Sau đó, một đoàn gồm các giáo sư tiến sĩ, lãnh đạo của 11 bộ đến đưa ra những câu hỏi truy vấn liên quan đến quá trình hình thành cũng như phương án vận hành chiếc trực thăng này” – ông Hải nhớ lại.
Do trả lời thông suốt mọi câu hỏi, nên không lâu, ông Hải được mời ra Hà Nội.
Trong chương trình đó, người phỏng vấn ông Trần Quốc Hải là GS-TS Nguyễn Thế Mịch, trưởng bộ môn hàng không trường đại học Bách khoa Hà Nội. GS Mịch hỏi gì ông đáp nấy, không một vấp váp.
Chưa dừng lại, một phái đoàn khác gồm các GS.TS được đào tạo ở nước ngoài được đưa đến. Những câu hỏi được đưa ra và một lần nữa và ông Hải đều trả lời trôi chảy. Kết quả của những lần “kiểm tra” như thế, “Hai lúa” được cấp bằng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
“Hai chiếc máy bay do chính bàn tay của cha con tôi làm ra được đưa đi thử nghiệm trước 2 trung tướng, một thiếu tướng và hàng chục đại tá cùng nhiều GS-TS khác. Khởi động. Cánh quạt chuyển động từ chậm sang nhanh vù vù trước mặt mọi người. Tuy nhiên công việc thử nghiệm chỉ dừng lại ở đây mà không được phép cất cánh…
Được quan tâm, tôi cứ nghĩ rằng mình được khuyến khích tiếp tục làm công việc khoa học này. Nhưng không…” - ông Hải nhớ lại
Không những thế, chiếc trực thăng của ông Hải còn được viện bảo tàng Moma ở Mỹ mua lại. Số tiền thu được, ông Hải dồn hết vào việc nghiên cứu các công trình khác.
Một chiếc trực thăng khác của ông Hải được trưng bày tại triển lãm nước ngoài. |
Trong một bài báo của hãng thông tấn CNN ông Hải cho xem có đoạn: “Một phái đoàn của Úc đã đến thăm và mời ông đến tham dự một cuộc triển lãm vào tháng 12/2006. Trong buổi triển lãm đó ông nói về những khó khăn trong suốt quá trình chế tạo chiếc phi cơ cũng như những cách thức mà ông đã sử dụng để chế tạo nó.
Chiếc máy bay trực thăng của ông Hải đã được chọn là một trong ba thiết kế triển vọng tại buổi triển lãm này, cùng với thiết kế của một người Úc và một người Trung Quốc”.
Campuchia hỗ trợ chế tạo máy bay
Không những nhận được nhiều ưu đãi từ phía Campuchia vì chế tạo thành công nhiều xe bọc thép cho quân đội nước này, ông Trần Quốc Hải còn được Campuchia hỗ trợ để tiếp tục giấc mơ bay của mình.
Đứng trong cơ sở cơ khí Trần Quốc Hải - chỉ vào một mô hình máy bay đang làm dở, ông Hải cho biết: “Phía Campuchia có cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho tôi chế tạo máy bay trực thăng vốn dang dở ở VN. Họ sẽ lo thủ tục, giấy tờ cần thiết và hỗ trợ một phần tiền bạc, vật chất…
Ông Hải bên mô hình chiếc trực thăng đang làm dở dang. |
Gần đây nhất, họ cho tôi cái động cơ máy bay này đây. Đây là động cơ cũ, do Liên Xô sản xuất, phía Campuchia thải ra tặng cho tôi. Với tôi, đây là thứ rất quý, rất cần thiết để sắp tới, tôi tiếp tục nghiên cứu, chế tạo máy bay. Chiếc máy bay trước đây, tôi làm ra nào có được động cơ máy bay chính hiệu, toàn là động cơ xe, độ lại mà thôi”.
Theo ông Hải, “tới đây, tôi sẽ chế tạo trực thăng trên tiêu chí mới hoàn toàn, không theo tiêu chí cũ nữa. Loại trực thăng mới này, với tiêu chí như chiếc ô tô, giá cả hợp lý và khi bay, nếu động cơ trục trặc, xảy ra sự cố rơi, phi hành đoàn cũng không chết”.
Nông dân Việt chế trực thăng cho Campuchia: Rơi cũng không chết |
Vân Nhi (Tổng hợp VNN, LĐO)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét