Minh Hằng (Thanh Hóa)
Đái tháo nhạt tuy là căn bệnh ít khi gây biến chứng nguy hiểm nhưng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, đôi khi cũng có thể gây biến chứng mất nước nặng. Biểu hiện là người bệnh tiểu tiện nhiều (4-8 lít/ngày), có những trường hợp nặng có thể lên tới 40 lít/ngày; nước tiểu nhạt màu, không có đường, không có protein, tỷ trọng rất thấp. Do tiểu nhiều nên bệnh nhân rất khát và uống rất nhiều. Trẻ em thường kêu khóc đòi uống nước, khi cho uống đủ nước thì nín. Lượng nước vào gần tương đương với lượng tiểu ra.
Các triệu chứng toàn thân: Lúc đầu thường ít thay đổi, ngoại trừ ở trẻ nhỏ có thể thấy dấu hiệu mất nước mạn tính. Da người bệnh khô, xanh và ít ra mồ hôi, trẻ không thấy tăng cân, suy dinh dưỡng, sốt cao không rõ nguyên nhân...
Về điều trị, với mọi bệnh nhân đái tháo nhạt thì điều trị đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Với những bệnh nhân bị bệnh nhẹ có thể chỉ cần uống bù đủ nước mà không cần dùng thuốc. Những bệnh nhân nặng cần phải được điều trị. Việc điều trị đặc hiệu phụ thuộc loại đái tháo nhạt như: đái tháo nhạt trung ương hay đái tháo nhạt do thận. Vì vậy, để xác định bệnh chính xác và điều trị phù hợp, chị cần đến chuyên khoa nội tiết để được khám và tư vấn cụ thể.
ThS. Quang Bảy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét