Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo về cơ chế đặc thù khi xem xét cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.
Ông yêu cầu các cơ quan liên quan chú trọng về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận, làm rõ những tác động, điểm mới khi triển khai Nhà máy điện hạt nhân theo từng giai đoạn tiến độ xây dựng Nhà máy.Theo đó, trước đề xuất của các cơ quan chức năng về các phương án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, triển khai đề án hỗ trợ như hồ thủy lợi Tân Mỹ, Đầm Nại, cầu Ninh Chữ, một số tuyến đường ven biển,… Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu hòa thiện đề án.
Cụ thể, Phó Thủ tướng gợi ý cần chia ra các giai đoạn phù hợp để đảm bảo cân đối nhu cầu với nguồn lực, đưa thêm các dự án hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, y tế,… cho người dân trong vùng.
“Quan trọng là phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư trên cơ sở tiến độ phù hợp với 2 dự án điện hạt nhân và đảm bảo lồng ghép hợp lý với các quy hoạch, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia đang và sẽ triển khai trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đến nay, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các Bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước.
Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW.
Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý 4/2008).
Trước đó, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về dự án ĐHN Ninh Thuận, từng họp bàn về cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện dự án ĐHN.
Theo đó, Chính phủ xác định ĐHN là dự án quan trọng của quốc gia, có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật đa dạng, phức tạp. Do vậy, việc xây dựng cần bảo đảm an toàn cao nhất, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Nếu không áp dụng cơ chế đặc thù thì Nhà máy ĐHN 1 sẽ khởi công vào cuối năm 2022, hoàn thành vào năm 2028; Nhà máy ĐHN 2 sẽ hoàn thành vào năm 2029. Nếu áp dụng cơ chế đặc thù thì thời gian khởi công 2 nhà máy ĐHN sẽ rút ngắn 2 năm.
Với dự án này có ít nhất khoảng 1.435 hộ với trên 5.370 nhân khẩu bị thu hồi đất sản xuất, đất ở, di dời nhà cửa.
Hầu hết số hộ dân chịu ảnh hưởng sinh sống bằng nghề nông (3.646 hộ), đánh bắt thủy sản (571 hộ) cho nên ngoài việc xây dựng các khu tái định cư để di dân, chính quyền còn phải hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề sinh sống.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận trình Quốc hội hôm 17/9/2014, kinh phí thực hiện di dân tái định cư cho người dân 2 xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và Phước Dinh, huyện Thuận Nam thuộc vùng dự án 2 nhà máy điện hạt nhân gần 3.100 tỉ đồng.
Phương Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét