Get me outta here!

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Năm 2015 sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn và phản biện - DVO

Năm qua, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Liên hiệp hội Việt Nam đã chính thức phủ kín tại 63 tỉnh thành trong cả nước. Trước thềm Xuân Ất Mùi 2015, Giáo sư, TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam đã trao đổi với Đất Việt về những thành công, cũng như dấu mốc đã đạt được trong năm qua và định hướng hoạt động trong những năm tiếp theo.

PV: Năm 2014 được đánh giá là năm có nhiều sự kiện đáng nhớ đối với giới khoa học. Là người đứng đầu Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam – ngôi nhà chung của giới trí thức KH&CN, theo ông sự kiện nào ấn tượng và nổi bật nhất trong năm qua của Liên hiệp hội Việt Nam?

Giáo sư Đặng Vũ Minh: Đúng là năm 2014 có nhiều sự kiện được cho là năm đánh dấu quan trọng đối với khoa học nước nhà. Trước hết, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống.

Tiếp đó phải kể đến Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5 đã được tổ chức trọng thể ở Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

Đây thực sự là sự cổ vũ và động viên hết sức to lớn đối với anh chị em trí thức KH&CN là hội viên của các hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đang hoạt động trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lý và các cơ sở sản xuất.

Với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã dành hẳn một buổi để làm việc với lãnh đạo Liên hiệp hội, trực tiếp chỉ đạo việc tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc và khó khăn, nhằm tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Việt Nam ở Trung ương và ở các địa phương hoạt động có hiệu quả hơn.

Tại buổi làm việc này, Thủ tướng đã đồng ý chuẩn bị ban hành một quyết định về chế độ chính sách đối với các cán bộ, viên chức thuộc hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam.

Một sự kiện đáng chú ý nữa là vào những ngày cuối năm 2014 (31/12) LHH địa phương đã được thành lập và tổ chức đại hội ở một tỉnh miền núi phía Bắc và cũng là tỉnh cuối cùng trong cả nước.

Như vậy, mục tiêu xây dựng Liên hiệp các hội KH&KT - ngôi nhà chung của trí thức KH&CN - ở tất cả 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đã được hoàn thành.

Giáo sư, TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam.
Giáo sư, TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam.

PV: Kể từ khi thành lập, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và các hội thành viên đã được Đảng, Nhà nước và xã hội kỳ vọng rất nhiều, không chỉ là tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà còn tham gia tư vấn, phản biện, góp ý xây dựng chính sách… Theo Giáo sư những yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động của các hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam?

Giáo sư Đặng Vũ Minh: Trực tiếp tham gia một số hoạt động của các hội thành viên, bao gồm các hội ngành toàn quốc và Liên hiệp các Hội KH&KT ở các địa phương, tôi nhận thấy có ba yếu tố rất quan trọng dẫn đến thành công của các hội thành viên.

 Trước hết, đó là sự quan tâm, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Thứ hai là tính năng động, sáng tạo của anh chị em hội viên, cũng như uy tín và khả năng quy tụ của những người đứng đầu các hội thành viên.

Thứ ba là hoạt động của các hội thành viên của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phải thực sự gắn liền với việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước, của các bộ, ngành và địa phương, trước hết là trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.

Đấy chính là ba yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh và tin cậy, có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ở trong và ngoài nước, hay nói một cách khác, để Liên hiệp hội Việt Nam hoàn thành xuất sắc công tác vận động trí thức KH&CN.

PV: Nhìn lại kết quả hoạt động một năm qua để đưa ra phương hướng hoạt động trong năm tới, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ đặc biệt quan tâm đến những hoạt động nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đặng Vũ Minh: Nhìn lại những việc đã làm được trong năm qua, chúng tôi nhận thấy trong năm tới, ngoài việc tập trung tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VII, dự kiến sẽ được tổ chức vào quý II-2015, Liên hiệp hội Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án dự án lớn về KH&CN, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế-xã hội, trước khi cấp có thẩm quyền quyết định.

Kinh nghiệm thời gian vừa qua cho thấy, với những kiến thức chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm quản lý phong phú, các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến sắc sảo, khách quan và dựa trên cơ sở khoa học cho các chương trình, dự án, đề án, góp phần nâng cao hiệu quả và tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng về kinh phí. Có thể nói, đây là hoạt động có hiệu quả nhất của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Tiếp đó, Liên hiệp hội cần tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng những thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, truyền bá những kiến thức KH&CN, từ kỹ năng phòng chống thiên tai và dịch bệnh cho đến phương pháp lọc nước, xử lý rác thải nông thôn…

Cuối cùng là tổ chức vinh danh những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo KH&CN, nâng cao hơn nữa chất lượng của các giải thưởng trong lĩnh vực KH&CN.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội đãlàm lợi cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng

TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam:

Hoạt động Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các hội ngành toàn quốc cùng với hoạt động chung của hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến khoa học và công nghệ.

Hơn 10 năm qua, Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên đã tư vấn phản biện, đóng góp ý kiến cho hàng trăm văn kiện, đề án của các cơ quan Đảng, Nhà nước liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như các dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng; Cương lĩnh chính trị 1991 – 2013;

Hiến pháp sửa đổi; Các dự thảo luật, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; Các dự án thủy điện Sơn La, Sông Tranh 2, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, khai thác Bauxite Tây Nguyên, xây dựng nhà máy lọc dầu; phương hướng phát triển công nghiệp hóa dầu, đề án phát triển ngành cơ khí; phòng chống dịch cúm gia cầm, dự án phát triển một triệu hecta lúa lai…

Những ý kiến đóng góp của Liên hiệp hội Việt Nam thông qua hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội đã được Nhà nước trân trọng và đánh giá cao. Nhiều ý kiến đã được chấp thuận và làm lợi cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên để hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội hiệu quả hơn nữa, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Liên hiệp hội Việt Nam với các bộ, ban, ngành, các chủ đầu tư và các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp:

Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức xã hội thời gian qua đã có nhiều cố gắng tham gia tích cực vào hoạt động giám sát.

Liên hiệp hội Việt Nam đã huy động lực lượng đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các hiệp hội tham gia đoàn giám sát hoặc đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo giám sát.

Đặc biệt là đối với việc giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội Giống cây trồng Việt Nam:

Tôi cho rằng kết quả phản biện đi đến đâu đang là vấn đề cần được làm rõ. Thời gian qua các nhà khoa học tâm huyết đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ vào hoạt động tư vấn, phản biện, song cá nhân tôi cũng như nhiều nhà khoa học vẫn băn khoăn không rõ kết quả phản biện đó đã được tiếp nhận đến đâu.

Tôi nghĩ để hoạt động này thực sự có hiệu quả, các bộ ngành đã nhận được ý kiến phản biện cũng cần có đánh giá về hiệu quả của công tác phản biện, để công tác này được điều chỉnh theo hướng tốt hơn.

Bích Ngọc(Thực hiện)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét