Get me outta here!

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Phát hiện và ngăn chặn thế nào?

Gần đây, tình trạng tự sát ở lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng. Những trường hợp tự sát thành công đã để lại hậu quả thương tâm cho gia đinh, bạn bè, người thân của các em. Vậy nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ đâu? Các bậc phụ huynh và nhà trường cần có những động thái gì để giúp các em vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý này?

Tuổi thiếu niên và những khó khăn để thích ứng với xã hội

Tuổi vị thành niên là một giai đoạn có sự thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, xã hội với sự thay đổi về sự bài tiết các hormon dẫn đến sự thay đổi rất nhanh chóng về cảm xúc, có thể từ một trạng thái ức chế chuyển sang hưng phấn chỉ trong thời gian rất ngắn. Lứa tuổi thiếu niên là lứa tuổi mà kinh nghiệm ứng phó với những sự kiện stress trong cuộc sống còn rất kém và chính sự thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống này dẫn đến những hành vi có tính chất xung đột hoặc có những quyết định mang tính chất bột phát, thiếu suy nghĩ.

Phát hiện và ngăn chặn thế nào? 1
Trẻ vị thành niên có nhiều thay đổi về các đặc điểm tâm, sinh lý.

Đối với những trẻ được cho là mạnh mẽ cũng thường xuyên lo lắng rằng mình không thể làm được việc tốt như mong muốn, ví dụ như trong việc giao tiếp, kết bạn hoặc trong các hoạt động nhóm ở trường hoặc đạt điểm tốt trong kỳ thi… Những hành vi tiêu cực thường dễ xảy ra trong những tình huống như là bố mẹ ly dị, những xung đột trong gia đình hoặc chia tay bạn thân hoặc người yêu hoặc những vấn đề rắc rối ở trường có thể làm bùng phát sự buồn chán và cảm giác muốn tự tử, đặc biệt với những trẻ có bệnh trầm cảm nặng thì những ý nghĩ và hành vi tự sát thường hay xảy ra, đây là nguyên nhân chính gây tự sát.

Một em học sinh vì mất tiền quỹ lớp đã viết thư để lại trước khi tự sát, một em học sinh sau khi thi môn tiếng Anh được điểm không cao, mà trước đó em học giỏi tiếng Anh và kỳ vọng vào đội tuyển thành phố đã cắt mạch máu ở tay, khi thấy máu chảy nhiều đã gọi điện cho bạn đến giúp đỡ và sau đó được gia đình đưa đi viện cấp cứu. Và có em học sinh đã được cứu thoát sau khi có hành vi uống thuốc để tự tử đã viết nhật ký như sau: “Tôi thấy là mình không khác gì so với các bạn khác nhưng không ai muốn chơi với tôi, tôi sợ cảm giác đến trường học, tôi sợ khi về nhà và sợ chính bản thân mình, vì vậy, tôi bắt đầu kế hoạch để tiến hành cái chết. Tôi đã lấy thuốc trong tủ thuốc của mẹ, tích lũy chúng lại và một hôm mẹ la mắng tôi, thế là tôi đã uống chúng…”.

Khoảng cách giữa ý định tự sát và hành vi tự sát chỉ là một ranh giới rất mong manh và vì vậy việc phát hiện sớm để phòng tự sát có vai trò rất quan trọng.

Những trẻ có yếu tố làm tăng nguy cơ tự sát

Có những vấn đề về năng lượng tâm thần: đặc biệt là trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, sử dụng rượu hoặc những chất kích thích, những trẻ có sự thay đổi lớn trong cuộc sống hằng ngày ví dụ bố mẹ ly dị, có sự suy sụp về tài chính trong gia đình, xa bố mẹ, gia đình có mâu thuẫn…, tỉ lệ nhóm này chiếm tới 95% các trường hợp tự sát. Tiền sử gia đình có người tự sát hoặc trầm cảm. Những trẻ có tiền sử bị lạm dụng về thể chất hoặc bị lạm dụng về tình dục. Những trẻ không có sự nâng đỡ của xã hội, không được sự chăm sóc của cha mẹ, người thân, bạn bè, cảm thấy cô đơn.

Những trẻ nghĩ đến việc tự sát thường có biểu hiện sau: Nói về ý định tự sát hoặc nói chung về cái chết. Nói những lời ám chỉ rằng mình sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa. Nói về cảm giác bi quan, không còn hy vọng hoặc cảm thấy có tội. Tránh xa gia đình và bạn bè. Viết những bức thư nói về cái chết, sự chia lìa hoặc sự mất mát. Cho đi những đồ vật mà mình thích. Không còn hứng thú tham gia vào những hoạt động mà trẻ vốn thích. Gặp phải khó khăn trong việc tập trung hoặc trong tư duy, không còn được rành mạch. Có sự thay đổi trong ăn uống và thói quen khi ngủ. Không thích đến trường học, không thích chơi thể thao.

Trầm cảm là một nguyên nhân chính dẫn đến tự sát ở lứa tuổi thiếu niên, những trẻ trầm cảm thường có những biểu hiện sau: buồn chán, chứng minh sự mất hết hy vọng. Những trẻ bị trầm cảm thường hay gặp phải những vấn đề cầu kì ở trường học như không tập trung chú ý, đạt điểm kém, trẻ có thể biểu hiện bỏ nhà đi, sử dụng các chất gây nghiện, dùng rượu hoặc nghiện chơi điện tử, thậm chí có thể có những hành vi mang tính chất bạo lực, kích động.

Phát hiện và ngăn chặn thế nào? 2
Cần động viên, giúp đỡ trẻ khi trẻ có những bất thường về tâm lý. (Ảnh minh họa).

Cha mẹ cần phải làm gì để giúp đỡ trẻ?

Bố mẹ cần phải có mối quan hệ thân thiết, thân mật với trẻ, là một người bạn tâm sự của trẻ, có thể chia sẻ những chuyện buồn vui ở trường, ở lớp của trẻ.

Cần phải liên lạc, trao đổi thường xuyên với thầy cô, bạn bè của trẻ ở trường ở lớp để hiểu và nắm bắt được những gì đang xảy ra với trẻ.

Không nên coi thường những hành vi hủy hoại bản thân của trẻ, không nên nghĩ rằng những hành vi như cắt tay hoặc uống thuốc của trẻ chỉ nhằm mục tiêu gây sự chú ý của người khác vì nếu chúng ta bỏ qua hành vi lần này thì lần sau những hành động như vậy có thể xảy ra ở mức độ cao hơn.

Lắng nghe trẻ, khi trẻ tin tưởng bạn và tâm sự với bạn thì không nên coi thường những suy nghĩ của trẻ và nếu không tiện thì bạn có thể đưa trẻ đi tư vấn chuyên gia tâm lý hoặc khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi thấy trẻ có những biểu hiện của trầm cảm và nên nhớ một điều là bệnh trầm cảm có thể chữa được.

Hướng dẫn trẻ biết cách xử lý trước những tình huống không đạt được như ý muốn của mình, trong cuộc sống ai cũng có lúc thất bại và mình cần phải vượt qua được những thất bại đó rút ra kinh nghiệm từ sự không thành công đó để bước tiếp trong cuộc sống, không nên bi quan, chán nản. Và sự nghiệp học tập là một cuộc chạy đua đường dài, cần phải có sự thích nghi và không nên nản chí khi kết quả chưa đạt được như mong muốn.

BS. TRỊNH THỊ BÍCH HUYỀN



0 nhận xét:

Đăng nhận xét