Hướng tới khai thác khoáng sản ẩn sâu
Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng tài nguyên khoáng sản nước ta không nhiều và vì thế không thể phung phí chúng.
"Khoáng sản cũng có thể là đa dạng về kiểu loại, nguồn gốc, nhưng nếu đem chia theo đầu người thì lại không nhiều, và không nên kỳ vọng khai khoáng có thể trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn hay chủ lực để phát triển kinh tế-xã hội", ông nói trên TTXVN.
Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. |
Để giải quyết tình trạng "đói tài nguyên" trong vài thập kỷ tới, theo Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Việt Nam phải tính đến việc nghiên cứu và khai thác khoáng sản ẩn sâu.
"Về đại thể, các loại khoáng sản lộ thiên hoặc nằm gần mặt đất do ngành địa chất Việt Nam nghiên cứu, đánh giá trong gần 70 năm qua và trước đó nữa từ thời thực dân Pháp nay đã được cấp phép khai thác gần hết. Trong khi đó, nhu cầu về nguyên liệu khoáng ngày càng tăng lên, thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tính đến việc nghiên cứu, tìm kiếm khoáng sản dưới sâu để có kế hoạch khai thác về lâu dài.
Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đây là chiến lược dài hơi và chúng tôi cũng nhận thức được rằng đây là một công việc vô cùng quan trọng, vì trong một tương lai ngắn sắp tới, những mỏ khoáng sản lộ thiên hoặc gần mặt đất được dự báo sẽ khai thác cạn kiệt và nước ta sẽ “đói” nguyên liệu", ông Văn phân tích.
Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam
Trong bài phỏng vấn trên TTXVN, ông Trần Tân Văn cho biết, Viện triển khai 2 đề tài lớn của Chính phủ, trong đó có đề án Dánh giá tiềm năng tài nguyên urani của Việt Nam.
Liên quan đến đề án này, tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hồi tháng 1/2015, ông Trần Tân Văn thông tin, đề án Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam của Chính phủ đã cơ bản hoàn thành nội dung công việc năm 2014. Đã xác định rõ hơn tiềm năng phóng xạ của các đối tượng nghiên cứu và khoanh định được các diện tích có triển vọng để tiếp tục điều tra trong các bước tiếp theo.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, ở Việt Nam đã phát hiện nhiều tụ khoáng urani ở Đông Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng tài nguyên urani ở Việt Nam được dự báo trên 218.000 tấn U308 có thể là nguồn nguyên liệu khoáng cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
An Nhiên (Tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét