Mới đây tại cuộc họp của Ủy ban quốc gia về BĐKH với các nhà tài trợ và các đối tác phát triển tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định: Việt Nam đã và đang hết sức nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế tìm ra các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tuy nhiên việc này cần đẩy mạnh hơn nữa.
Người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Các nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể sẽ làm trầm trọng thêm những nguy cơ sẵn có đối với tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và sức khỏe và đặt ra những mối đe dọa lớn cho phát triển kinh tế và con người, cũng như môi trường. Người nghèo và cộng đồng nghèo ít có khả năng thích ứng sẽ là nhóm bị tác động nặng nề hơn.
Xu hướng phát thải khí nhà kính toàn cầu cho thấy đến năm 2100, trái đất có thể sẽ nóng thêm 4 độ C và khiến Việt Nam sẽ phải gặp phải sự thay đổi nhiệt độ lớn, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các thảm họa thiên nhiên và mực nước biển dâng đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với con người và tài sản, gây ra những ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng và giảm nghèo, và tới nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Thời gian qua nhiều hoạt động triển khai nhằm thích ứng với BĐKH, trong đó có Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH được đề xuất từ năm 2009 và bắt đầu được thực hiện vào năm 2010. Đến nay, đã xây dựng được trên 200 chương trình hành động chính sách và nhận được 1.030 triệu USD vốn tài trợ. Từ 2009 đến nay đầu tư cho ứng phó với BĐKH tăng lên gấp đôi từ khoảng 20.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng.
Năm 2015 sẽ có 24 dự án cấp bách về ứng phó với BĐKH cần triển khai với kinh phí 3.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA thông qua chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH để đầu tư cho các dự án ứng phó với BĐKH trong năm 2015.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: "những điều mà chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH đã đạt được là rất to lớn, không chỉ thể hiện ở 200 hành động chính sách đã thực hiện mà trong 6 năm qua, chương trình đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống, ứng phó với BĐKH một cách rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nội dung chưa thực hiện được. Phó Thủ tướng chỉ rõ, hiện nay ở nước ta còn tồn tại, đó là chính sách ra nhiều nhưng không hiệu quả, còn nhiều hạn chế, một số chính sách có tính khả thi kém do không có nguồn lực hoặc do thực hiện chưa tập trung, chưa tính đến mức ưu tiên với từng dự án. Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện chưa hiệu quả, cần phải có sự điều chỉnh và sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện chưa thấy rõ", Phó Thủ tướng nói.
Do đó Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm làm việc với các nhà tài trợ để thống nhất, đẩy sớm kế hoạch thực hiện các dự án liên quan đến BĐKH, xây dựng chương trình cho sau năm 2015.
"Cần tập trung vào việc xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực ứng phó với BĐKH, xây dựng các mô hình ứng phó dựa vào cộng đồng, xây dựng chính sách tăng cường khả năng chống chịu trước BĐKH của thành phố, cụm dân cư, khu vực dễ bị tổn thương", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Các hình thái thời tiết nguy hiểm đang ảnh hưởng nhiều hơn tới cuộc sống và sự an toàn của người dân |
BĐKH diễn biến đã rất phức tạp
Trên thực tế BĐKH đã diễn biến ngày càng phức tạp hơn, điển hình như ở miền Bắc những hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nhiều.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khi thực hiện Dự án dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam dự báo: nhiệt độ tại miền Bắc sẽ tăng từ 0,8 độ C đến 3,4 độ C vào năm 2050 và tiếp tục tăng đến cuối thế kỷ 21.
Cùng với đó, số ngày nóng sẽ tăng lên (trên 35 độ C) và có thể kéo dài trong vòng 5 ngày, gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Về lượng mưa, dự tính lượng mưa trên 7 vùng khí hậu sẽ có sự biến đổi, dao động từ dưới 16% đến trên 36% vào giữa thế kỷ và biến đổi nhanh hơn vào cuối thế kỷ 21. Cùng với đó, lượng mưa mùa hè có thể giảm ở hầu khắp các vùng lãnh thổ, riêng khu vực Trung Bộ mưa có xu hướng tăng ở tất cả các mùa trong năm.
Ở một hình thái tương tự, hoạt động của bão trên Biển Đông cũng có xu thế giảm nhưng cường độ có thể mạnh hơn, có thể gây lũ quyét và sạt lở đất, đặc biệt là các tỉnh miền núi ở phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Dự án dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam cũng dự tính mực nước biển sẽ tiếp tục dâng lên từ 100mm đến 400mm vào giữa thế kỷ trên toàn dải bờ biển Việt Nam, và sẽ tiếp tục được duy trì đến cuối thể kỷ 21, gây ảnh hưởng đến sinh thái và cộng đồng ven biển.
Tại ĐBSCL, BĐKH cũng đang đe dọa cuộc sống của người dân. Tại nhiều nơi như: Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau... tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Có những vùgg sóng biển đã "ăn sâu" vào cả công trình nhà ở của người dân.
Cũng có nơi chịu ảnh hưởng lớn từ nước biển dâng và triều cường như TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ...
“Biến đổi khí hậu hiện nay đang cho thấy sự thay đổi khó lường, với nhiều kiểu thời tiết cực đoan. Cho đến nay, biến đổi khí hậu vẫn là một bài toán rất khó không chỉ thách thức với tình hình thực tế tại Việt Nam, mà còn diễn ra ở các nước trên toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định.
Theo đó giới chuyên môn cho rằng Nhà nước cần có chính sách rõ ràng huy động nguồn lực của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần kêu gọi nguồn lực từ nước ngoài thông qua các dự án quốc tế để hỗ trợ tích cực hơn nữa cho công tác ứng phó với BĐKH.
Bích Ngọc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét