Đây là nội dung Ủy ban Thường vụ QH vừa đưa ra trong báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL trong bối cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 đang diễn ra.
Theo đó báo cáo này cũng cảnh báo: "ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp do lũ lụt và ngập úng, thiệt hại ước tính sẽ khoảng 17 tỉ USD".
Đồng bằng sông cửu long chịu ảnh hưởng nặng nề
Theo Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội, BĐKH và nước biển dâng sẽ tác động đến toàn bộ hệ sinh thái vốn rất nhạy cảm của 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Xu thế biến đổi khí hậu và thiên tai ở ĐBSCL trong 3 thập kỷ tới sẽ diễn biến bất thường. Nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Đất Mũi, Lung Ngọc Hoàng sẽ bị đe dọa. Kết quả giám sát còn cho thấy, BĐKH và nước biển dâng sẽ tác động phức tạp đến ĐBSCL, như bị ảnh hưởng khác nhau giữa các địa phương. Ngoài trực tiếp còn có những tác động gián tiếp uy hiếp ĐBSCL.
Cụ thể: các đập thủy điện, công trình chuyển nước sông Mê Kông cho những vùng khô hạn, sự hình thành các khu công nghiệp, khu dân cư dọc theo sông Mê Kông sẽ làm cho dòng chảy trở nên bất thường, mùa khô ít nước, mùa mưa ngập úng…
Giới chuyên môn cũng cảnh báo, do BĐKH, diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm ở vùng Tứ giác Long Xuyên, Hà Tiên, Đồng Tháp Mười, khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu. Tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát, đá xây dựng,...) sẽ bị xâm lấn và hủy hoại. BĐKH còn làm cho nền nhiệt độ trung bình tăng, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cây trồng, vật nuôi, làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, gia tăng sức ép lên con người. Nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô vùng ĐBSCL sẽ tăng từ 33-35°C lên 35-37°C. Để đối phó với tình hình BĐKH, công tác ứng phó đã được đặc biệt quan tâm với hàng loạt chương trình, dự án, với kinh phí hàng chục ngàn tỉ đồng và hàng trăm triệu USD từ ngân sách và tài trợ quốc tế. Nhiều mô hình ứng phó với BĐKH triển khai tại vùng ĐBSCL bước đầu đã đem lại hiệu quả, như canh tác lúa theo phương pháp ướt - khô luân phiên, GAP... Từ kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL ngay từ năm 2015 cần nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm đã có hiệu quả thiết thực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Đi liền với đó, rà soát, triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL; triển khai quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường có hiệu quả trên lưu vực sông Tiền và sông Hậu; có phương án, kế hoạch và tập huấn cho người dân công tác phòng, chống các dịch bệnh có thể phát sinh do tác động của biến đổi khí hậu.
|
Sóng biển đang xâm thực ngày một mạnh hơn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân |
Kiến nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết giám sát
Dẫn từ ảnh hưởng chung, báo cáo nêu rõ: Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong 2 thập niên qua, ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên, đơn cử, cơn bão Xangsane năm 2006 đã thiệt hại tới 1,2 tỉ USD ở 15 tỉnh khu vực miền Trung.
Ngoài ra, mặc dù chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí nhà kính của Việt Nam đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
“Biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam tương đối rõ nét trong 50 năm qua. Nhiệt độ trung bình năm tăng 0,5 độ C; mực nước biển dâng cao hơn 0,2 m; thiên tai, bão, lũ gia tăng cường độ và tính cực đoan.
Nhiều công trình chắn sóng, chắn cát, đê sông, đê biển dễ bị phá vỡ trước lũ lụt, thiên tai. Các hệ sinh thái tự nhiên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là miền Trung, nam Trung bộ và ĐBSCL. Ngập triều tăng mạnh ở TP.Cần Thơ, TP.HCM, tỉnh Cà Mau và tỉnh Vĩnh Long”, báo cáo dẫn chứng.
Để ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng ĐBSCL, Ủy ban TVQH đề xuất một loạt giải pháp, từ chính sách đến khâu thực hiện.
Với ĐBSCL, Đoàn giám sát đề nghị ngoài các giải pháp chung về ứng phó biến đổi khí hậu, cần xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững KT-XH.
Tăng cường sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách và phát huy tri thức bản địa để người dân chủ động hạn chế tác hại của lũ đồng thời khai thác các lợi ích do lũ mang lại một cách phù hợp.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu đưa nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong các nội dung của Nghị quyết phát triển KT-XH hàng năm và 5 năm; lồng ghép các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh liên quan; đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phân bổ hợp lý các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với Chính phủ, cơ quan giám sát đề nghị từ năm 2015, rà soát và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong quá trình đó, phải coi nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là của toàn xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ cơ quan, tổ chức của nhà nước đến các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, đến từng người dân.
Hội An: Bờ biển bị sạt lở ăn sâu và xâm thực mạnh Chỉ trong thời gian ngắn, sóng biển đã cuốn phăng toàn bộ rào chắn bằng bê tông cao 5 m, dài 70 m và ăn sâu vào đất liền chừng 30 m, uy hiếp khu vực ven biển Hội An (Quảng Nam). Tại bờ kè Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam), nước ăn sâu vào sát mép các khách sạn, resort. Theo lãnh đạo và người dân Hội An thời gian qua tại những khu vực nằm cạnh đó, tình hình sạt lở lại tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Hiện tại, toàn bộ rào chắn bằng bêtông cao đến 5m đã bị sóng biển đánh ngả nghiêng, nước đã ngập sâu, đe dọa đến khách sạn đang còn xây dang dở. Ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP Hội An) cho biết, những năm qua sạt lở đã đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng những khu du lịch, nghỉ dưỡng sát biển. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục gia cố 137m bờ kè, từ khách sạn Fusion Alya đến Winpearl và dự kiến hoàn thành trong vài ngày tới để chống đỡ gió bão năm nay. Cũng theo ông Sinh, nếu như việc này chưa thể có biện pháp giải quyết tối ưu thì nguy cơ bãi tắm Cửa Đại bị xoá sổ là nhanh chóng và những khu vực resort cạnh đó cũng tiếp tục bị sạt lở ăn sâu và xâm thực mạnh. |
Bích Ngọc