Get me outta here!

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Biện pháp đánh giá năng lực - Nhiều trường dự kiến tuyển sinh hình thức mới

Dù chưa đi đến quyết định chính thức song nhiều trường đại học dự kiến sẽ có bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào trong mùa tuyển sinh năm 2017 tới.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ điểm sàn ĐH.
Thí điểm đánh giá năng lực
Nói về kỳ tuyển sinh năm 2017, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, trước tình hình chung của cả nước, ĐHQG chưa tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong toàn hệ thống, tuy nhiên sẽ triển khai thí điểm tại một số trường thành viên.
“Kỳ thi này không phải điều kiện tiên quyết để xét tuyển vào các trường, mà chỉ thêm một cơ hội xét tuyển cho thí sinh bên cạnh phương thức xét tuyển truyền thống. Chỉ tiêu dự kiến để xét tuyển kết quả kỳ thi này tối đa 20% cho các ngành áp dụng thi đánh giá năng”, TS Nghĩa nói.
Về hình thức kiểm tra đánh giá năng lực, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng ĐHQG TPHCM cho hay, đề án đang được xây dựng và dự kiến bài thi này gồm phần tự luận (thi 30 phút) và 100 câu trắc nghiệm (thi 150 phút) nội dung đánh giá năng lực tiếng Việt, năng lực tiếng Anh, tư duy logic và năng lực giải quyết vấn đề về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội...
“Kỳ thi đánh giá năng lực này không lặp lại nội dung trong kỳ thi THPT quốc gia. Đề đã có đầy đủ dữ liệu kiến thức, thí sinh chỉ xử lý dữ liệu này bằng năng lực của mình chứ không phải nhớ kiến thức.
ĐHQG TPHCM sẽ sớm công bố những trường nào có thêm phương thức xét tuyển bằng thi đánh giá năng lực trong thời gian tới”, TS Chính nói và cho biết, kỳ thi này dự kiến được tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia khoảng 10 ngày, thí sinh có thể thực hiện xét tuyển vào đại học bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện sơ tuyển tối thiểu về điểm học bạ là điểm trung bình cộng các điểm trung bình ba năm (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,5 trở lên đối với trình độ đại học và từ 6,0 trở lên đối với trình độ cao đẳng.
Ngoài phương thức đánh giá năng lực ở một số trường thì tất cả các đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM sẽ tuyển sinh theo phương thức tương tự năm 2016.
Cụ thể, ĐHQG dự kiến sẽ dành 5% xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy của ngành/nhóm ngành; 15-20% ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu thuộc các trường ĐH, tỉnh thành trên toàn quốc và 80% xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia 2017.
Các trường thuộc ĐHQG TPHCM sẽ tuyển các tổ hợp môn xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia như năm 2016. Riêng trường ĐH Kinh tế Luật dự kiến sẽ có thêm tổ hợp mới là Toán, Ngoại ngữ và điểm chia trung bình của bài thi Khoa học tự nhiên.
Chưa xác định ngưỡng đầu vào…
Năm 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ điểm sàn nên nhiều trường đại học ngoài công lập, trường đại học tốp dưới cho biết, họ chưa có ý định đưa ra ngưỡng đầu vào đại học cho mùa tuyển sinh sắp tới.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, mùa tuyển sinh đại học năm này dự kiến sẽ quay về phương án tuyển sinh năm 2015 với hai hình thức gồm xét tuyển theo điểm thi THPT Quốc gia (chiến 90% chỉ tiêu) và xét tuyển học bạ (chiếm 10%).
Tương tự, các trường đại học ngoài công lập khác như trường đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ TPHCM, Đại học Lạc Hồng, Đại học Quốc tế Hồng Bàng… cũng dự kiến sẽ xét tuyển theo 2 hình thức truyền thống là sử dụng điểm thi THPT Quốc gia và xét học bạ.
Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhieu-truong-du-kien-tuyen-sinh-qua-danh-gia-nang-luc-20161227075112405.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét