Hiện tượng lão hóa dễ nhận ra
Với chiều hướng trái đất nóng lên không thể đảo ngược hiện nay thì dù biến đổi khí hậu diễn ra ở mức độ hay kịch bản nào cũng làm cho dòng sông ngoằn ngoèo hóa già, và thay vì bồi đắp phù sa ra biển lại bị nước biển xâm lấn thu hẹp châu thổ, bắt đầu bằng việc xâm nhập mặn hàng chục, hàng trăm cây số vào sâu trong đồng làm mất diện tích canh tác.
Hiện tượng lão hóa rất dễ nhận ra với việc dòng nước tàn phá xói lở đôi bờ rồi đem đất đắp vào giữa sông cản trở lưu thông.
Vốn là cái nôi của nền văn minh sông nước, các hoạt động kinh tế xã hội nơi đồng bằng châu thổ Cửu Long diễn ra trên các bờ sông bờ rạch, biến nơi đây thành địa điểm nhạy cảm nhất của quá trình biến đổi khí hậu.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (CTMTQG) phân chia tác động của hiện tượng toàn cầu này làm 2 nhóm, nghiêm trọng và tiềm tàng.
Với đồng bằng sông Cửu Long tác động của mực nước biển dâng được coi là nghiêm trọng nhất và là nguyên nhân của việc lão hóa dòng sông, thay đổi diện mạo châu thổ, bao gồm diện mạo mặt đất và diện mạo nhân văn do bởi tình trạng di trú đến nơi ở mới.
Trong 50 năm qua nước biển dâng cao 20cm, nhưng từ nay đến năm 2050, mức nước dâng thêm sẽ là 30cm làm cho sự tàn phá đôi bờ mạnh hơn, nhanh hơn và diện ngập lụt rộng hơn, dài tháng hơn.
Điều này có nghĩa việc quy hoạch và thiết kế phải đáp ứng điều kiện mới, nhất là đối với hệ thống đường sá, đô thị cùng khu dân cư, và cả các khu công nghiệp.
Bệnh tật gia tăng cả về lượng và loại là tác động nghiêm trọng thứ hai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các nhà hoạch định chính sách quá chậm chạp đối với mục tiêu sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống trong khi trái đất mỗi ngày một nóng lên với các thay đổi thời tiết đột ngột làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, khả năng chống chọi của người già, và nhiều cái chết thảm thương do bởi thiên tai dịch bệnh.
Cuối cùng thời tiết cực đoan cũng đang trở nên nghiêm trọng trên vùng châu thổ. Trước đây con người đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ biết đến lũ lụt, nhưng nay cả lũ lụt, hạn hán, và bão táp sẽ cùng đe dọa.
Mấy chục năm trước, các đôi trai gái thề thốt bằng câu ví von “bao giờ cạn nước Đồng Nai”, nhưng nay nhiều kênh rạch lớn nhỏ trên hệ thống Cửu Long đã bắt đầu khát nước.
Những dòng sông bị lão hóa và khô cạn nước ngày càng xuất hiện nhiều và tình trạng sạt lở cũng thường xuyên xảy ra đe dọa cuộc sống người dân |
Thích ứng nông nghiệp là nhu cầu cấp bách nhất
Sẽ không có hiệu quả trong việc đối phó với biến đổi khí hậu nếu bỏ qua yếu tố nông nghiệp và biện pháp thích ứng cây trồng. Tác động xấu lên sản xuất lương thực sẽ nhanh chóng làm cho các biện pháp đối phó hoặc thích ứng khác trở nên vô nghĩa.
Thích ứng cây trồng là biện pháp cần thiết để nền nông nghiệp có thể đứng vững trước các biến đổi khí hậu. Nông dân sẽ gặp phải nhưng khó khăn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm: Thời tiết thay đổi cực đoan, nhiệt độ trung bình tăng cao, số ngày cực nóng và cực lạnh nhiều hơn, mùa vụ lại có khuynh hướng rút ngắn, bức xạ mặt trời mạnh hơn, các áp lực về hạn, ẩm hay mặn ngày càng cao, và sẽ xuất hiện các tập đoàn sâu hại cũng như các bệnh mới.
Từ đầu thế kỷ XXI nền nông nghiệp thế giới đã chuyển biến mạnh với việc áp dụng kỹ thuật khai thác sa mạc, canh tác các dòng lương thực siêu sản, chuyển qua tưới nhỏ giọt (drip feed) thay cho hệ thống mương máng tưới tiêu (irrigation), và nhất là sẽ thay thế việc bón rải phân hóa học bằng các bộ phân của khoảng 300 loài vi khuẩn bón theo đường nước.
Mỗi một quyết định trong đó đều cần kết quả từ việc xử lý trên các máy tính và việc tin học hóa nền nông nghiệp được coi là cuộc cách mạng xanh của thế kỷ nhằm nuôi sống nhân loại thông qua nền nông nghiệp lập trình chính xác (precision agriculture).
Công nghệ thông tin phải là sợi chỉ xuyên kết
Điều làm các người tham gia Diễn đàn biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long băn khoăn và được thể hiện trong nhận định của GS Nguyễn Ngọc Trân nguyên Thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ rằng tổng hợp các đề án mới chỉ là nhặt khoai bỏ chung vào bị, bởi ban soạn thảo CTMTQG đã không đề cập đến hệ thống công nghệ thông tin như một sợi chỉ xuyên suốt các giải pháp.
Hệ thống này một mặt làm nhiệm vụ cung cấp đầy đủ thông tin dữ liệu cho mỗi giải pháp mỗi dự án, mặt khác giúp chúng tương tác với nhau để chọn ra giải đáp hiệu quả tối ưu cho mỗi bài toán, của mỗi ngành, mỗi địa phương. Nền công nghệ thông tin ở nước ta tuy phát triển rất nhanh nhưng vẫn còn yếu, vẫn rời rạc và chưa biết khai thác tính hệ thống vốn là sức mạnh bùng nổ của thứ kỹ nghệ thời đại này.
Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu phức tạp trên bình diện rộng của đồng bằng sông Cửu Long, công nghệ thông tin không chỉ làm nhiệm vụ nâng cao nhận thức như nhiều người quan niệm mà cần tích hợp trong cả 8 nhiệm vụ của CTMTQG, bắt đầu từ đánh giá mức độ, xác định giải pháp, xây dựng chương trình cho đến tổ chức thực hiện.
Trong bối cảnh này việc đầu tư hệ thống hóa công nghệ thông tin trở thành thiết yếu và cấp bách, bao gồm công tác tổ chức và đào tạo, trang bị máy móc và lập trình chuyên dụng, vận hành hệ thống và kiểm tra hiệu quả để từng bước nâng cao.
Cuộc chiến đối phó với biến đổi khí hậu không chỉ là dự án thay những bóng đèn mà trước hết là việc thay đổi quan điểm lãnh đạo, bắt đầu bằng việc sử dụng công nghệ thông tin như một hệ thống thống nhất xuyên suốt từ chiến lược đến các chiến thuật, từ khâu chỉ huy đến thực hiện trên các địa bàn khác nhau.
Không thể ứng phó hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long nếu không sử dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng tri thức ngày nay bởi chúng thực sự là thứ vũ khí sống còn cho toàn cuộc chiến.
TS Hoàng Xuân Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét