Với quan điểm cần nhìn nhận thẳng thắn vào những yếu kém, hạn chế để cùng các đơn vị đào tạo, cơ quan quản lý nghiên cứu đưa ra giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp điện tử trong nước, tại hội thảo “Phát triển nhân lực điện tử Việt Nam - Nhật Bản” do Bộ TT&TT vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kiều Vân, Trưởng phòng Nhân sự công ty Panasonic Vietnam đã gây chú ý khi đề cập đến hàng loạt yếu kém của nguồn nhân lực trong nước qua thực tế tuyển dụng và làm việc tại doanh nghiệp này.Đụng đâu cũng thấy hạn chế
Theo bà Kiều Vân, về trình độ tiếng Anh, tuy hiện nay trình độ của sinh viên ra trường đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây nhưng chỉ trong vấn đề đọc và hiểu tài liệu, còn ở khả năng giao tiếp và khả năng viết phần lớn còn rất yếu.
“Ví dụ như viết email nhiều người cũng không biết mở đầu, kết thúc thế nào cho dễ hiểu. Chủ yếu thấy thành thạo trong việc viết… status Facebook”, bà Vân nói, đồng thời cho rằng có thể do vấn đề đào tạo thiên về ngữ pháp khiến sinh viên ngại nói, khi đi làm thực tế giao tiếp khó khăn.
Về kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, bà Vân cho rằng nhiều sinh viên khi lên mạng xã hội thì “chém gió phần phật”, nhưng trong hoạt động kinh doanh lại thiếu tự tin, luống cuống, kỹ năng thuyết trình, phân tích của sinh viên mới ra trường còn yếu, khi gặp rắc rối không biết cách chia sẻ để nhận được sự hỗ trợ giải quyết.
Cùng đó là thiếu kỹ năng làm việc nhóm. “Tại Panasonic, nhiều sinh viên tốt nghiệp trường đại học lớn tỏ rõ cái tôi của mình lớn mà không chịu lắng nghe ý kiến của người khác, sẵn sàng ngay lập tức “ném đá” ý kiến của người khác”, bà Vân chia sẻ.
Đáng chú ý, theo bà Vân, những hạn chế lớn của sinh viên mới ra trường còn phải kể đến là sự thiếu quyết tâm, nhiệt huyết, khi gặp khó khăn là dễ nản chí buông bỏ. Thậm chí ngay ở tác phong công sở cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp so với nhân lực nước ngoài.
Với một công ty Nhật Bản như Panasonic luôn đề cao tác phong nhanh nhẹn, đi nhanh, thế nhưng có người đi lại uể oải… như muốn được ngủ tiếp khiến cho đối tác nhìn vào thấy rất thiếu chuyên nghiệp.
Trưởng phòng Nhân sự công ty Panasonic Vietnam, bà Nguyễn Thị Kiều Vân. Ảnh: Nguyên Đức.
|
Bên cạnh đó, nhiều người do thiếu định hướng nghề nghiệp dễ dẫn đến sớm nản chí. Ngay như trong cuộc phỏng vấn tại Panasonic, nhiều người không hiểu rõ về công ty mình làm việc với lý do “chưa có thời gian tìm hiểu”. Có sinh viên mới đi làm được 1-2 tháng đã xin nghỉ để… đi nước ngoài học hoặc có người khi được phân công vào dự án thấy không phù hợp đã xin đi khiến cho doanh nghiệp thất vọng.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Vân, sự dịch chuyển nhân sự liên tục, mới làm được 1-2 năm (chứ chưa nói tới vài tháng) đã xin chuyển sang một công ty mới gây tốn kém về thời gian, chi phí đào tạo cũng như rủi ro về bảo mật thông tin cho doanh nghiệp khi thời gian tuyển và đào tạo được một vị trí quan trọng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, rồi thời gian bàn giao công việc giữa người cũ và mới…
Cần được đào tạo hướng nghiệp sát với thực tế
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kiều Vân cho rằng để nâng cao hiệu quả hướng nghiệp cho sinh viên – nguồn nhân lực của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong tương lai, ngay từ trên ghế nhà trường, các sinh viên rất cần được định hướng mình sẽ làm gì để không mông lung khi đi tìm việc.
Cùng đó, cần tăng cường sự hợp tác giữa sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tập tại các doanh nghiệp để cọ xát với thực tế thay vì nhiều sinh viên không tận dụng thời gian thực tập, chỉ coi đây là thời gian hoàn thành điều kiện để tốt nghiệp.
“Cả phía nhà trường và doanh nghiệp cùng quản lý sát sao để sinh viên có được kỳ thực tập hiểu quả, giúp ích cho sinh viên sau khi đi làm”, bà Vân nhấn mạnh.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng là phải chuẩn bị tốt tâm thế cho sinh viên, giáo dục đạo đức, tác phong, uốn nắn cho sinh viên trước khi ra trường đi làm việc để họ sớm trở thành những nhân lực chuyên nghiệp.
Cũng tại hội thảo, đồng quan điểm với bà Kiều Vân, bà Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Nhân sự công ty 4P (doanh nghiệp cấp 1 đầu tiên tại Việt Nam cung ứng bản mạch điện tử cho hãng LG) cho rằng, trước thực trạng nhân lực kỹ sư, kỹ thuật viên còn yếu về tiếng Anh, thiếu kỹ năng mềm làm việc nhóm, hiểu biết về kỹ thuật mới hạn chế…, thực tế đang ngày càng đòi hỏi công tác đào tạo cần bám sát nhu cầu thị trường để đảm bảo sự bền vững.
Các cơ sở đào tạo có thể áp dụng ISO trong đào tạo nhân lực, liên kết với các doanh nghiệp để tạo đầu ra cho việc làm và phía doanh nghiệp sẽ cử chuyên gia tham gia đào tạo cùng với nhà trường.
Và trước thực trạng nhiều cơ sở đào tạo còn hạn chế về thiết bị đào tạo thực tế, bà Nguyễn Kim Oanh cho rằng Nhà nước nên có cơ chế chính sách để các trường có điều kiện nhận được sự trợ giúp về thiết bị, máy móc không còn dùng đến tại các doanh nghiệp nhưng vẫn rất có giá trị để phục vụ giảng dạy, học tập (do đặc thù công nghệ điện tử thay đổi từng ngày, tuổi thọ sản phẩm tương đối ngắn, có những máy còn rất mới nhưng doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng – PV), để đảm bảo đầu ra của đào tạo không bị lạc hậu về công nghệ.
Nguồn: http://ictnews.vn/kinh-doanh/ban-doc-viet/trinh-do-tieng-anh-cua-nhieu-sinh-vien-viet-nam-chi-du-viet-facebook-143978.ict
0 nhận xét:
Đăng nhận xét